Vì sao bệnh cúm trái mùa gia tăng?

24/05/2024 10:17

Kinhte&Xahoi Theo quy luật, cúm là bệnh thường gặp và phổ biến trong mùa đông - xuân.

Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cho thấy, khi thời tiết bắt đầu bước vào hè, số ca mắc cúm trái mùa lại gia tăng. Điều đáng nói là có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết...

Khám bệnh cho trẻ tại Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba). Ảnh: Xuân Lộc

Nguy kịch khi nhiễm cúm B

Ngay đầu giờ sáng 22-5, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) đã có rất đông các bà mẹ đưa con đến khám.

Bế con trai 3 tuổi trên tay, chị N.T.H (ở quận Long Biên) kể: “Thấy con sốt cao, ho, nôn ói, chảy nước mũi, tôi đã ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cho con uống. Thế nhưng, ba ngày sau đó, tình trạng sức khỏe của con ngày một nặng hơn. Bé quấy khóc rất nhiều, bỏ ăn, thở khò khè… Tôi đã đưa con đi khám và kết quả xét nghiệm cho thấy, bé dương tính với cúm B kèm biến chứng viêm phổi”.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, từ tháng 1 đến tháng 3-2024, có hơn 800 bệnh nhân cúm đến khám. Thời điểm gần đây, số lượng bệnh nhân gia tăng hơn. Từ ngày 1-4 đến 22-5, bệnh viện đã khám và phát hiện 440 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm A và cúm B. Riêng tại Khoa Nhi, ghi nhận khoảng 50 ca mắc cúm/tuần.

Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Thu Hà, Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) cho biết, sau đại dịch Covid-19, từ năm ngoái đến nay, bệnh cúm không còn tuân theo quy luật, thay vì thường gặp vào mùa đông - xuân nữa thì đã xuất hiện rải rác quanh năm. Những tháng đầu năm, bệnh nhân chủ yếu là cúm A nhưng thời điểm này, số ca mắc cúm B lại gia tăng. “Nguyên nhân bệnh cúm xuất hiện trái mùa là do có sự cộng hưởng của tình trạng “nợ miễn dịch” sau thời gian trẻ ở trong nhà nhiều, giảm tiếp xúc với bên ngoài khi xảy ra đại dịch Covid-19 trước đó. Thêm vào đó là khả năng xuất hiện các biến thể mới của cúm. Thông thường, bệnh cúm diễn biến lành tính. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ có sức đề kháng kém, có sẵn bệnh nền khi nhiễm cúm dễ bị nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp…”, Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Thu Hà lý giải.

Tương tự, hiện nay, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cũng tiếp nhận 8-10 bệnh nhân cúm/ngày, chủ yếu là cúm A và cúm B.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường nên nhiều dịch bệnh không còn tuân theo quy luật như trước. Do đó, thời điểm hiện nay, khi thấy xuất hiện ho, sốt, đau họng, người dân nên xét nghiệm cúm để điều trị kịp thời, tránh biến chứng viêm phổi, suy hô hấp… dễ dẫn đến tử vong.

Không chỉ người có bệnh nền mà tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân trẻ tuổi, có tiền sử khỏe mạnh nhưng lại mắc cúm B trong tình trạng rất nặng. Điển hình là nữ bệnh nhân 30 tuổi (ở Nam Định) sau khi xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau tức ngực, khó thở đã đến cơ sở y tế gần nhà khám và điều trị ngoại trú 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp nặng hơn, bệnh nhân phải nhập viện và được chẩn đoán bị viêm phổi, suy hô hấp, dương tính với cúm B. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) và được chỉ định can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

“Chìa khóa” để phòng bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, có 4 chủng vi rút cúm mùa, bao gồm: A, B, C và D. Trong đó, vi rút cúm A và B là 2 chủng chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như: Đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Những biểu hiện nghiêm trọng này có thể do bản thân vi rút cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút khác xảy ra sau nhiễm cúm làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể.

Để phòng bệnh, Tiến sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) khuyến cáo, ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim, khi mắc cúm dễ nặng hơn bình thường. Tuy nhiên, mức độ nhiễm trùng nặng của bệnh cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào có thể trạng sức khỏe tốt. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Vắc xin cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.

Riêng đối với trẻ nhỏ, Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Thu Hà lưu ý thêm, “chìa khóa” quan trọng để tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động cho trẻ, đó là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Cụ thể là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho trẻ, bảo đảm việc ăn sạch, uống sạch, bổ sung nhiều hoa quả… Thêm vào đó, duy trì thói quen cho trẻ đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người.

Ngoài ra, cho trẻ vệ sinh mũi họng hằng ngày, vệ sinh bàn tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh, cha mẹ cần cho con nghỉ học, tránh lây lan ra cộng đồng.

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội đến hiện trường, chỉ đạo hỗ trợ nạn nhân vụ cháy nhà trọ tại Trung Kính

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các lực lượng chức năng thành phố, cấp ủy, chính quyền quận, phường tập trung cứu chữa người bị thương và khắc phục hậu quả; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho các hộ dân.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/vi-sao-benh-cum-trai-mua-gia-tang-667241.html