Vì sao đuối nước gây tử vong hàng đầu ở trẻ em?

23/03/2019 08:41

Kinhte&Xahoi Mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi....

Chiều tối ngày 21/3/2019, ngay sau sự việc 8 học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ra sông Đà chơi và bị đuối nước tử vong, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em có Công văn số 1123 gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em như: tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương…

 8 học sinh ở TP Hoà Bình tử vong khi đi tắm sông.

Cũng liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.  

Như vậy, vấn đề phòng chống thương tích đuối nước cho trẻ em rất được quan tâm từ trước đến nay và các vấn đề mà Công văn số 1123 đề cập tới một lần nữa nhắc đến các vấn đề tưởng như đã biết rất rõ. Nhưng tại sao đuối nước sao cứ mãi là nguyên nhân cao nhất làm chết trẻ em?

Tổng hợp từ thực tiễn các địa phương có thể thấy, khó khăn lớn nhất vẫn là việc dạy bơi. Cách đây không lâu, trả lời truyền thông về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc dạy bơi trong nhà trường hiện gặp khó khăn lớn vì thiếu hồ bơi.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cũng cho biết, ở nông thôn, việc dạy bơi cho học sinh gần như còn “trắng”. Như nhiều địa phương khác, tại đây chương trình học hiện nay chủ yếu tập trung dạy kiến thức căn bản và các hoạt động ngoại khóa chứ chưa tập trung dạy bơi lội, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh….

Đầu năm 2017 tại cuộc hội thảo “Vận động xây dựng chính sách và bàn giải pháp hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em”, Bộ LĐTB&XH đã cho biết, mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn.

Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống tại các xã nghèo rất khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Muốn có bể bơi và dạy bơi được cho trẻ em thì phải có tiền, đây mới chính là vấn đề mấu chốt khó giải quyết nhất. Ông Nguyễn Trọng An nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã từng cho biết từ năm 2011-2012 đã có chương trình vận động đưa dạy bơi thành một chương trình quốc gia về giáo dục, kiểu bên cạnh dạy nhảy cao, nhảy xa thì dạy bơi.

Đã nhiều lần các cơ quan chức năng góp ý cho dự thảo này, nhưng cuối cùng không đưa vào được và lý do được đưa ra là không có kinh phí. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục nên cân nhắc tới việc đề xuất cho phép xã hội hoá bể bơi trường học để cả xã hội có cơ hội cùng chung tay thực hiện việc dạy bơi cho trẻ em.

Bên cạnh đó cũng cần  lưu ý tới việc dạy các kỹ năng sinh tồn, sống sót trong chương trình dạy và học trong nhà trường, để trẻ em có cơ hội sống sót khi có chuyện không may xảy ra.

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ hộ dân bị "dồn vào chân tường" vì mua đất bằng giấy tay: Bất thường trong thụ lý vụ án?

Theo ông Dư, TAND quận Gò Vấp thụ lý vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện, tất cả các giao dịch mua bán trước đây đã thực hiện xong từ năm 2009, nếu nhận thấy quyền lợi mình bị ảnh hưởng thì ông Quý đã làm đơn khởi kiện từ thời điểm đó chứ không phải đến tận năm 2017.