Vì sao giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo giảm mạnh?

26/03/2021 09:35

Kinhte&Xahoi Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo đang có xu hướng giảm mạnh sau một thời gian sử dụng chính sách “kích cầu” đầu tư. Vì sao lại có hiện tượng này?

Ảnh minh họa

Giá mua giảm dần sau mỗi lần thay đổi

Chính sách cơ cấu giá điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm 2 chính sách, dành riêng cho điện mặt trời (ĐMT) và điện gió. Tính đến thời điểm này, ĐMT đã có 2 quyết định giá FIT (giá cố định trong một thời gian nhất định). Trong nguồn ĐMT thì nguồn ĐMT áp mái rất được khuyến khích đầu tư. 

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (ĐL&NLTT - Bộ Công Thương), ĐMT áp mái là nguồn có quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện. 

Do đó, dù trong giá FIT lần thứ 2 (Quyết định 13/2020/QĐ-Ttg), giá dành cho ĐMT mặt đất giảm khá mạnh nhưng giá dành cho ĐMT áp mái vẫn được giữ ở mức “hút khách”. Cụ thể, giá mua điện dự án ĐMT mặt đất là 7,09 Uscent/kWh (tương đương 1.644 đồng), giá mua ĐMT nổi là 7,69 Uscent/kWh (tương đương 1.783 đồng) còn ĐMT áp mái vẫn ở mức cao 8,38 Uscent/kWh (khoảng 1.943 đồng). 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá FIT 2 cũng đã hết hiệu lực. Trong khi ĐMT nổi và mặt đất sẽ được chuyển sang thí điểm cơ chế đấu giá mua nguồn thì ĐMT áp mái vẫn duy trì chính sách giá cố định. Theo đại diện Cục ĐL&NLTT, Cục đã xây dựng xong Dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho ĐMT áp mái để thay thế cho cơ chế giá FIT tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020 và đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng.

Theo đó, dù vẫn duy trì cơ chế giá FIT nhưng mức dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây. Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp. 

Ngoài ra, để tiếp tục khuyến khích phát triển ĐMT áp mái, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập, ông Dũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT áp mái cho giai đoạn tới, theo hướng tiếp tục áp dụng cơ chế giá FIT; giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống ĐMT áp mái; quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện… 

Trong khi đó, giá điện gió vẫn đang áp dụng giá FIT lần đầu tiên theo Quyết định 39/2018/QĐ-Ttg. Cụ thể, giá mua điện đối với các dự án điện gió trong đất liền là 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 Uscents/kWh); đối với các dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng, tương đương 9,8 Uscents/kWh). Giá FIT này được áp dụng đối với dự án vận hành thương mại trước tháng 11/2021. 

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất giá mua điện gió đối với các dự án vận hành sau tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2022. Theo đó, mức giá mua vào đối với  điện gió mặt đất là 7,02 cent/kWh cho (giảm khoảng 17% so với giá FIT trước đó) và điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ là 8,47 cent/kWh (giảm khoảng 13% so với giá FIT trước đó). Các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ áp dụng mức giá lần lượt 6,81 cent/kWh và 8,21 cent/kWh. 

Giá giảm là đúng hướng?

Có thể thấy, các mức giá mua đối với nguồn ĐMT và điện gió đều đã giảm khá mạnh so với mức giá kích cầu đầu tư ban đầu. Đại diện Cục ĐL&NLTT cho rằng, các chính sách giá đưa ra đều đã đảm bảo “có lãi” cho các nhà đầu tư. Điều quan trọng là phải có các chính sách để đảm bảo khuyến khích đúng đối tượng, hạn chế tối đa các trường hợp lách quy định, trục lợi chính sách, gây quá tải, mất ổn định hệ thống điện. 

“Hiện, chính sách giá đối với ĐMT mặt đất hoặc ĐMT nổi vẫn đang được cơ quan chức năng nghiên cứu theo cơ chế thí điểm đấu thầu. Còn ĐMT áp mái, do đã có quá nhiều hiện tượng ào ào lắp để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới nên chúng tôi buộc phải có cơ chế để phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng” - đại diện Cục ĐL&NLTT nói. 

Trong khi nhiều chủ đầu tư đang như “ngồi trên lửa” khi chính sách giá đối với nguồn điện NLTT ngày càng giảm thì GS.TS Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam) đánh giá, cơ cấu giá điện NLTT của Việt Nam đang đi đúng hướng. Bởi trong lộ trình phát triển, bất kể quốc gia nào cũng thực hiện theo xu hướng giá giảm dần. 

Ông Long phân tích, để khuyến khích các nhà đầu tư nhảy vào nguồn NLTT thì cần phải có giá FIT cao để khuyến khích sản xuất và bán vào hệ thống. Sau một thời gian, khi hệ thống “đã có tương đối rồi” thì xu hướng sẽ giảm, sẽ không còn phải thu hút mạnh nhà đầu tư như lúc đầu. Hiện Chính phủ vẫn đang theo xu hướng này, vẫn thực hiện chính sách thu hút nhưng không cần thu hút mạnh. “Nếu định hướng giá mua điện cao thì giá điện mà người sử dụng cuối cùng phải trả sẽ phải gánh hết nên điều chỉnh giảm giá cũng là nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng cuối cùng” - ông Long nói.

 Nhật Thu - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vi-sao-gia-dien-tu-nguon-nang-luong-tai-tao-giam-manh-d151778.html