Vì sao tiêm 4 mũi vắc xin vẫn mắc viêm não Nhật Bản?

17/06/2024 06:52

Kinhte&Xahoi Như đã đưa tin, bé trai 12 tuổi tại huyện Phúc Thọ trở thành bệnh nhip đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội trong năm nay. Điều đáng nói là bệnh nhi này đã tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản nhưng vẫn mắc bệnh.

Lý giải về vấn đề này, ngày 16-6, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, bé trai 12 tuổi nói trên có tiền sử tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Mũi cuối cùng được tiêm vào ngày 15-6-2019.

Vắc xin viêm não Nhật Bản. Ảnh: Thanh Niên.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với vắc xin viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

“Ở trường hợp bé trai 12 tuổi này, mũi cuối được tiêm vào tháng 6-2019 nên đúng ra 3-4 năm sau phải tiêm tiếp. Thế nhưng, do bệnh nhi này chưa tiêm mũi nhắc lại nên đã mắc bệnh. Dù vậy, khi trẻ được tiêm các mũi cơ bản, phần lớn sẽ giảm được mức độ nặng của bệnh”, đại diện CDC Hà Nội thông tin.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiệu lực của vắc xin không bao giờ đạt được 100%, do đó, có thể trẻ được tiêm rồi vẫn mắc bệnh. Ở trường hợp bé trai nói trên, tiêm 4 mũi vắc xin rồi vẫn mắc viêm não Nhật Bản thì bệnh nhân đó cần được đánh giá lại nguyên nhân mắc bệnh.

Thông tin thêm về hiệu quả của vắc xin và tiêm chủng, một chuyên gia của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, có một tỷ lệ nhỏ tiêm vắc xin nhưng không tạo miễn dịch. Đây là yếu tố cá nhân, không do chất lượng vắc xin. Thậm chí, các vắc xin nói chung cũng không tạo kháng thể 100% sau tiêm mà tỷ lệ bảo vệ đạt trung bình khoảng 90 - 95% tùy loại. Tuy nhiên, khi đã tiêm vắc xin, nếu chẳng may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, với Hà Nội, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng được tiêm đầy đủ các loại vắc xin luôn ở mức cao. Bé trai 12 tuổi ở huyện Phúc Thọ mắc viêm não Nhật Bản là ca bệnh đầu tiên trong năm nay. Đây vẫn chỉ là trường hợp cá biệt, chưa đặt ra vấn đề gì về chiến dịch tiêm chủng.

Theo Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.

Lịch tiêm chủng mới nhất do Bộ Y tế cập nhật đến thời điểm này, có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vắc xin; trong đó có viêm não Nhật Bản B.

Trước đây, khi chưa triển khai vắc xin viêm não Nhật Bản B, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này chiếm đến 50% các ca viêm não. Hiện, nhờ có tiêm chủng, tỷ lệ này giảm thấp, còn khoảng 5 - 15%.

Do đó, để bảo vệ trẻ em trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các gia đình vẫn cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tiêm bù mũi nếu đã hoãn tiêm. Không chỉ với viêm não Nhật Bản mà trẻ cần được tiêm đầy đủ với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Theo đó, danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin và lịch tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm 11 bệnh: Viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm: viêm phổi, viêm màng não…), sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota.

Đáng lưu ý, tại Thông tư số 10, Bộ Y tế quy định danh mục 10 bệnh truyền nhiễm và sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch. Trong đó, ngoài vắc xin Covid-19, có 9 bệnh khác thuộc danh sách này là: Bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản B, dại, cúm.

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/vi-sao-tiem-4-mui-vac-xin-van-mac-viem-nao-nhat-ban-669416.html