Việt Nam được đánh giá cao về tốc độ phục hồi sau đại dịch

05/06/2022 16:49

Kinhte&Xahoi Theo Chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) tháng 5 mà báo Nikkei Asia vừa công bố mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thể hiện tốt nhất khi đều nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa, đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp.

Tốc độ phục hồi sau đại dịch

Chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vắc xin COVID-19 và tính di chuyển trong xã hội. Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt hơn, các hạn chế di chuyển tốt hơn.

Theo báo cáo, cùng với Philippines, Việt Nam đã thể hiện tốt nhất trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei cho tháng 5 khi cả 2 nước đều nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp. Nếu như trong năm 2021, cả hai nước đều ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19. Đến dữ liệu của tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14.

Việt Nam đã bãi bỏ nhiều quy tắc COVID-19, bao gồm cả việc hạn chế đi lại cho du khách (Ảnh: AFP)

Theo Nikkei, với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về khả năng tiêm chủng. Những loại vắc xin COVID-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5 gồm 46% là vắcxin mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, 28% là vắc xin vector virus của AstraZeneca và 23% là vắcxin thông thường từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm. Bộ Y tế Việt Nam cho biết đủ liều vắc xin COVID-19 để tiêm liều thứ 3 và thứ 4 cho những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó tờ Nikkei cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Giống như Việt Nam, Philippines tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ mức độ lây nhiễm COVID-19 giảm đáng kể. Số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước ngày giảm xuống dưới mức 200 ca trong tuần qua, không có thêm ca tử vong nào.

Từ tháng 2 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ. Tuần này, Philippines cũng bỏ yêu cầu du khách nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi nhập cảnh.

Çũng theo chỉ số mà Nikkei vừa công bố, Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia Châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022

 Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, một số tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023.

ADB đưa ra dự báo sau khi xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc chính phủ chuyển hướng chính sách trong kiểm soát dịch bệnh, bao phủ diện rộng vắc xin ngừa COVID-19, mở cửa du lịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ, giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Việt Nam (Ảnh: Nikkei Asia)

“Những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở tiến trình phục hồi là tình trạng mắc COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3/2022; mức tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát. Mức độ phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Các chuyên gia của WB cho rằng, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.

WB nhận định: “Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc chững lại”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết: “ Việc ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022 - 2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm. Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%. Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự phục hồi của Việt Nam diễn ra chưa đồng đều. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, sự phục hồi kinh tế phần lớn được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng.

Tăng trưởng trong quý IV/2021 và quý I/2022 ở mức khoảng 5% vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do cầu trong nước và hoạt động dịch vụ còn yếu, mặc dù đang cải thiện trong thời gian gần đây.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Chìa khóa" tiến gần hơn tới kinh tế biển "xanh"

Việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn biển đang được Việt Nam hiện thực hóa để trở thành quốc gia biển mạnh. Xuyên suốt mục tiêu này là giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu... trong đó, xây dựng kinh tế biển "xanh" là nền tảng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/viet-nam-duoc-danh-gia-cao-ve-toc-do-phuc-hoi-sau-dai-dich-198109.html