Việt Nam được thế giới ghi nhận là một hình mẫu chống đại dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đang trong tầm kiểm soát của Việt Nam
Với tinh thần và nguyên tắc xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã triển khai những biện pháp cần thiết, khẩn trương, mạnh mẽ, quyết liệt nhất có thể để phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Trong biện pháp mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 31-3 đã ban hành Chỉ thị yêu cầu cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1-4, một biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại nước ta.
Chỉ thị thể hiện quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ cũng như người dân cả nước ta được đưa ra khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tính tới hết ngày 31-3, theo số liệu chính thức của Bộ Y tế, nước ta đã ghi nhận 207 trường hợp mắc Covid-19, cả nước đang có hơn 75.000 trường hợp người tiếp xúc gần các ca bệnh và người về vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cánh ly), trong đó hơn 3.200 trường đang nghi ngờ cách ly theo dõi…
Tuy nhiên, đến nay cũng đã có 36.808 mẫu được xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 35.601 mẫu âm tính. Đặc biệt, nước ta đã có 57 trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh, ra viện, trong đó có 16 người trong giai đoạn 1 và 41 người trong giai đoạn 2 hiện nay và 2 trường hợp bệnh từng “rất nặng” đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.
Chúng ta tin rằng với những hành động quyết liệt, khẩn trương và đúng đắn sẽ giúp khống chế dịch Covid-19, không để dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát tại nước ta như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây chính là điều mà thế giới ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới.
Đài BBC dẫn đánh giá của các chuyên gia y tế khẳng định, Việt Nam đã nhận định “được và đúng đắn” về tính nguy cấp của đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia được BBC dẫn lại, Việt Nam đã áp dụng chiến lược đúng đắn khi triển khai phương án cách ly kịp thời, ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, đồng thời Chính phủ Việt Nam đã xác định được những “thời điểm quan trọng” để quyết định cục diện sắp tới.
Trang mạng tờ The Diplomat đưa tin khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam hồi đầu tháng 1-2020, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó. Hiện nay, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam tăng, chủ yếu do các du khách nước ngoài và người Việt Nam hồi hương, Việt Nam tiếp tục tăng cường nỗ lực nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này.
The Diplomat đã điểm một số biện pháp mạnh mẽ mà Chính phủ Việt Nam triển khai như ngừng cấp thị thực cho tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng, trung tâm giải trí cho đến cuối tháng 3... Đây là biện pháp tăng cường cho nhiều biện pháp khác cũng đã được triển khai. Tờ báo này đã nêu bật một thực tế là số trường hợp mắc Covid-19 ở Việt Nam tương đối thấp hơn so với nhiều nước láng giềng trong khu vực và đưa ra nhận định: “Tình hình hiện nay cho thấy mọi thứ ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát”.
Việt Nam truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước
Theo tờ The Diplomat, có nhiều lý do để lý giải về sự kiên cường và hiệu quả của Việt Nam trong chống dịch Covid-19, nổi bật trong số đó chính là vai trò của các nhà lãnh đạo như việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định ngừng tất cả các sự kiện, hoạt động và các cuộc tụ tập có trên 20 người. Đây được coi là động thái dứt khoát và mạnh mẽ khi Việt Nam có ít thời gian để hành động và SARS-CoV-2 sẽ lây lan nhanh hơn nếu không thực thi những biện pháp kịp thời và quyết liệt.
Tờ Thời báo New York (Mỹ) đăng bài viết nêu rõ, nhờ những nỗ lực “sáng suốt” chống virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm virus thấp hơn so với nhiều nước láng giềng. Bài báo nêu những biện pháp kịp thời và hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng như hạn chế các chuyến bay nội địa, dừng tất cả các cuộc họp trong hai tuần và thực hiện cách ly khoảng 57.000 người để tránh virus lây lan rộng trong cộng đồng.
Nhìn nhận về hiệu quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam, tờ Deutsche Welle (Đức) phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến gay go này, lưu ý Việt Nam đã thực hiện một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, sử dụng lực lượng quân đội có kỷ luật, được người dân tin cậy và tôn trọng để tham gia chống dịch. Chính phủ đã quán triệt nguyên tắc xuyên suốt từ đầu là cuộc đấu tranh chống dịch bệnh là “chống dịch như chống giặc” và huy động mọi người dân tham gia, đồng thời sẵn sàng chấp nhận tổn thất kinh tế để chống dịch.
Trang mạng của tờ Thời báo Tài chính nổi tiếng của Anh đã đăng bài ca ngợi nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, theo đó nêu rõ “Việt Nam đã cho thấy mô hình dập dịch bệnh ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng đứng đầu là những lãnh đạo đầy quyết tâm”.
Bài báo nêu lại vào thời điểm dịch bệnh mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo khả năng chủng mới của virus Corona có thể sớm đến Việt Nam và ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp chính phủ, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tờ báo nổi tiếng này đã đánh giá, đây là cuộc tổng tấn công chống Covid-19 của Việt Nam và đây là mô hình dập dịch chi phí thấp.
Trang The Diplomat nhận định, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân. Những biện pháp này đã được chứng minh hiệu quả và cho thấy kết quả tích cực ở Việt Nam.
Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research (có trụ sở tại Berlin, Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục trên thế giới công bố ngày 30-3 cho biết, so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới. Theo cuộc khảo sát quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát này, có khoảng 70% số ý kiến đại diện cho 40% dân số toàn cầu tin rằng nhà nước đã có những phản ứng “đúng mức” để chống đại dịch. Với đánh giá “đúng mức” này, người dân Việt Nam dành mức tin tưởng cao nhất cho những biện pháp ứng phó dịch của chính phủ, xếp trên Argentina, Áo, Singapore, Trung Quốc...
Ghi nhận về hình mẫu chống dịch Việt Nam, trang mạng Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts, trong đó nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh” ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.