Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí tài chính).
Thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của Nhân dân
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững”. Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động về KT-XH do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thực hiện các Hiệp định thương mại đã ký kết; duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của Nhân dân.
Cùng với đó, việc hoàn thiện các quy định và thực thi pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy định của Hiến pháp về quyền an sinh xã hội đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế... Các luật trong lĩnh vực này bảo đảm tốt hơn các quyền của công dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, các dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội đối với các đối tượng chính sách, bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết tốt hơn mối quan hệ gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách lao động và an sinh xã hội nói riêng theo nguyên tắc công bằng và tiến bộ xã hội.
Chính sách trợ giúp xã hội bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng
Trên cơ sở các quy định này, Chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội... Giai đoạn 2017 - 2022, hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, nhà xã hội đã mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ. Đến năm 2022, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp.
Hệ thống an sinh xã hội và chính sách xã hội cũng đã chứng tỏ tính ưu việt trong hỗ trợ người lao động trước khó khăn do đại dịch COVID-19. Kết quả từ Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững đối với phụ nữ và trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2020 - 2021 với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy có 39% người dân trong hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ xã hội trong thời gian dịch bệnh, bao gồm các hình thức hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan đoàn thể và từ các nhà hảo tâm.
Các chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất ổn từ môi trường chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tại Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tổ chức mới đây, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cũng khẳng định đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và phát triển bền vững.
Minh Ngọc - Pháp luật Plus