Đại diện IBM Việt Nam chia sẻ về các xu hướng an ninh mạng 2024.
Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc khối Phần mềm bảo mật khu vực ASEAN của IBM cho biết, cùng với Indonesia, Thái Lan, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực bị tấn công mạng trong năm 2023, chủ yếu là các cuộc tấn công bằng mã độc ransomware (nhắm vào 83.000 máy tính và máy chủ).
Tấn công bằng phần mềm mã độc ransomware cũng được coi là công cụ chính để tin tặc tiếp tục sử dụng tấn công mạng. Tiếp theo đó là hình thức tấn công bằng hình thức phishing (giả mạo).
Trong số các vụ tấn công mạng vào Việt Nam năm 2023, có 46% số vụ việc là nhắm vào ngành sản xuất. IBM cũng cho rằng, tội phạm mạng sẽ tiếp tục chọn ngành sản xuất là mục tiêu của tấn công mạng trong năm 2024.
Theo phân tích, sở dĩ, tin tặc chọn tấn công vào ngành sản xuất vì 2 mục tiêu: Phá hoại và đánh cắp thông tin để đòi tiền chuộc. Vì trên thực tế, hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp hiện có quá trình chuyển đổi số chậm, công tác bảo vệ dữ liệu còn yếu. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất còn liên quan đến các chuỗi cung ứng khác nhau và đó chính là điểm yếu để tội phạm mạng khai thác, mở rộng tấn công để đạt mục đích đánh cắp thông tin đòi tiền chuộc.
Ngoài ngành sản xuất, tội phạm mạng cũng chọn tấn công nhiều vào các lĩnh vực tài chính - bảo hiểm và giáo dục.
Cũng theo đánh giá của IBM, thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã chi đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin và an ninh mạng. Trong đó, đầu tư cho an ninh mạng tại thị trường Việt Nam của IBM đã tăng gấp 2 lần so với các nước trong khu vực ASEAN.
Về các giải pháp phòng, chống tấn công mạng, đại diện IBM Việt Nam cho biết, hiện nay xu hướng các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) an ninh mạng tăng cao, khi có tới 84% các giám đốc điều hành được hỏi cho biết có kế hoạch lựa chọn giải pháp bảo mật AI để phòng, chống tấn công mạng...
Thanh Hà - Hà Nội mới