Vụ án "Nữ lao công bị sát hại giữa phố": Hồi chuông cảnh báo về dạng tội phạm tâm thần

06/04/2021 06:33

Kinhte&Xahoi Theo các chuyên gia, vụ sát hại nữ lao công ở Hà Nội tiếp tục là một hồi chuông cảnh bảo về việc “quản lý” người bị bệnh tâm thần.

Mới đây, trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã xảy ra vụ việc sát hại nữ lao công ngay trên đường phố. Nạn nhân là chị Vũ Thúy Hà, sinh năm 1978, trú tại Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Chị Hà là nhân viên của Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên. Hiện tại, thi thể nạn nhân đã đươc gia đình đưa về mai táng theo phong tục.

Đám tang chị Vũ Thúy Hà.

Nghi phạm gây ra vụ án mạng dã man là Lê Như Toàn, sinh năm 1991, trú tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Toàn đã sử dụng gạch tấn công nữ lao công khiến nạn nhân tử vong rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, sau đó bị lực lượng chức năng khoanh vùng và bắt giữ. Đáng nói ở đây, nghi phạm Lê Như Toàn có dấu hiệu bị bệnh tâm thần.

Cũng cách đây 4 năm, vào những ngày giáp Tết năm 2017, tại thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên người dân địa phương đã cùng một lúc phải đưa tiễn hai người phụ nữ xấu số. Những người sống trong thôn cho biết chưa khi nào họ phải chứng kiến cảnh tượng 3 người trong một gia đình bị thương vong do một bệnh nhân có bệnh án tâm thần sát hại.

Hai nạn nhân tử vong là chị Lê Thị Nhung (sinh năm 1974) và bà Vũ Thị Hòa (sinh năm 1946). Người bị thương là ông Lê Xân Lược (sinh năm 1941). Cả 3 nạn nhân cùng trú tại xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Chị Nhung là con gái của ông Lược và bà Hòa.

Vào thời điểm trên, tại nhà riêng của mình, đối tượng Bùi Kim Hiền (sinh năm 1974) là chồng của nạn nhân Nhung đã ra tay sát hại vợ mình bằng con tiện cầu thang gỗ. Sau khi giết hại chị Nhung, đối tượng tiếp tục cầm dao đến nhà đến nhà bố mẹ vợ là ông Lược và bà Hòa rồi tấn công hai người khiến bà Hòa tử vong tại chỗ. Ông Lược được người dân địa phương đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng. Sau khi gây án, đối tượng Hiền quay về giết 8 con gà rồi bỏ lên xe máy, chở thêm 2 bao gạo sang nhà hàng xóm.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đối tượng Bùi Kim Hiền đã có bệnh án tâm thần từ năm 2005, do Bệnh viện tâm thần kinh Hải Dương xác nhận hiện vẫn đang điều trị tại nhà.

Vụ cũ vụ mới khiến nhiều người đặt ra nghi vấn: Tại sao người mắc bệnh tâm thần lại không có ai giám sát, trông chừng mà thoải mái hoạt động ngoài cộng đồng?

Người mắc bệnh tâm thần có bị bắt buộc chữa bệnh

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Thị Nhung - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị đinh 64/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần đối với những người đã được xác định là mắc bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Sau khi bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, lúc này, năng lực hành vi của họ sẽ khôi phục đầy đủ như những người khác.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người bệnh sau khi được chữa trị trở lại bình thường đã hòa nhập lại với xã hội, sống và làm việc bình thường.

Mặt khác, cũng có một vài trường hợp, sau khi ra ngoài xã hội lại tái phát bệnh tình và gây sự bất an đối với cộng đồng, với xã hội. Trong trường hợp này, không ai dám khẳng định: Họ sẽ không một lần nữa phạm tội.

Bên cạnh đó, theo qui định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực thi hành thì một người chỉ được công nhận là mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất năng lực hành vi chỉ khi và sau khi có quyết định hoặc bản án của Tòa án Nhân dân có thẩm quyền tuyên bố về điều này. Khi đó, cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên” theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.” 

Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ.

Từ nội dung trên cho thấy, người được cơ quan có thẩm quyền xác định là mất năng lực hành vi dân sự chỉ phải “cách ly xã hội” tại trung tâm chữa trị bắt buộc khi đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm. Ngoài ra, dù đã được xác định là bị bệnh tâm thần thì bệnh nhân cũng chỉ có người giám hộ và vẫn được ở tại nhà. Vấn đề đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình có người bị bệnh.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi người mắc bệnh tâm thần phạm tội

Cùng quan điểm với Luật sư Nhung, nhà nghiên cứu pháp luật Vi Công Sang – Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ: Người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi bất hợp pháp của người bị bệnh tâm thần.

Theo đó, nếu một người được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là mắc bệnh tâm thần thì khi bệnh nhân thực hiện hành vi phạm tội, người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra nếu không chứng mình được mình không có lỗi. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 606 của Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thanh Nga – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn giải:

Tâm thần là một loại bệnh không quá hiếm gặp trong xã hội. Cứ trong 100 người dân thì có 1 người mắc căn bệnh này. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực, hành vi thanh xuân và ngôn ngữ thanh xuân...

Bệnh tiến triển mạn tính, theo quá trình, bệnh nhân dần dần sa sút, mất khả năng lao động, sinh hoạt như người bình thường. Tuy nhiên, bệnh tâm thần có thể điều trị được và việc chẩn đoán và can thiệp sớm có thể làm giảm tối đa các triệu chứng.

Cũng theo Tiến sĩ Nga, bệnh tâm thần có một số dấu hiệu cảnh báo sớm giúp những người chăm sóc hoặc gia đình bệnh nhân có thể nhận biết và nhờ các cơ quan, đơn vị y tế can thiệp, chữa trị.

Những dấu hiệu cho thấy một người đang mắc bệnh tâm thần gồm: Cách ly xã hội, mất đi ý muốn làm việc, giảm sự biểu lộ tình cảm, rối loạn khả năng suy nghĩ, hoang tưởng và ảo thanh.

Bệnh tâm thần không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bị bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm thần, dù nhẹ, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân đi khám ngay để có phương pháp điều trị, thuốc cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết, sớm đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. – Tiến sỹ Nga chia sẻ thêm.

Cần đánh giá đúng “tính nguy hiểm” của người mắc bệnh tâm thần

Sau hơn một ngày kể từ thời điểm xảy ra vụ án mạng dã man đã làm nữ lao công tử vong, dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng và lo sợ sự việc tương tự có thể thể xảy ra. Nguyên nhân có thể do tình tiết của vụ án, cũng có thể do hầu hết chúng ta chưa thực sự đánh giá đúng hay chính xác “tính nguy hiểm” có hay không từ những người mắc bệnh tâm thần.

Qua việc phỏng vấn nhanh 10 cư dân hiện đang cư trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy trong độ tuổi từ 23 đến dưới 60 của phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus thì có 8 người sẽ tránh xa người bị mắc bệnh tâm thần; 1 người không quan tâm; còn lại một người chưa biết ứng xử thế nào.

Kết quả này cho thấy mức độ lo sợ của một bộ phận không nhỏ người dân trước những người bệnh tâm thần đang sống và sinh hoạt cùng người thân và xã hội.

Việc đánh giá đúng mức độ, đặc điểm bệnh tâm thần của mỗi bệnh nhân không những tránh được những nguy hiểm có thể xảy ra mà còn tránh được sự kì thị, phân biệt đối với những người mắc bệnh tâm thần.

Chẳng ai mong muốn hay có thể quyết định bản thân có mắc bệnh tâm thần hay không. Việc mắc phải bệnh là một điều không may, trái ý muốn của chính bệnh nhân và những người xung quanh. Vì vậy, những người mắc bệnh tâm thần không có lỗi, không có tội.

Qua vụ án mạng dã man đã làm nữ lao công tử vong chính là là một hồi chuông cảnh bảo về việc đánh giá đúng mức độ và tính chất của người bị bệnh tâm thần. Trước tiên chính là trách nhiệm của người thân trong gia đình của bệnh nhân, sau là của cả xã hội.

Mặt khác, các cơ sở y tế có chuyên môn về bệnh lí cần phát động, mở rộng những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh, rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động, kết hợp gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời.

Cuối cùng, chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần.

Có như vậy, người dân mới được an tâm, bệnh nhân mới được chữa trị đúng cách và gia đình nạn nhân mới được an ủi và san sẻ gánh nặng phần nào.

Gia Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/tu-van-phap-luat/vu-an-nu-lao-cong-bi-sat-hai-giua-pho-hoi-chuong-canh-bao-ve-dang-toi-pham-tam-than-d152678.html