Theo đó, hôm 4/9, hình ảnh thân cây chuối nằm gọn trong khối bê tông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được một người dân chụp lại đăng lên tài khoản facebook. Điều khiến dư luận chú ý là tại một vị trí dải phân cách cứng bằng bê tông trên tuyến cao tốc lộ ra nhiều đoạn thân chuối kèm bê tông, ống nhựa...
Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải đã có nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận cho rằng, việc bỏ thân chuối vào bê tông là dụng ý về mặt kỹ thuật của đơn vị thi công. Tuy nhiên, một số ý kiến đặt dấu hỏi nghi vấn rằng nhà thầu đã thay bê tông cốt thép bằng “bê tông cốt chuối”.
Hình ảnh thân cây chuối được nhét vào trong khối bê tông được người dân chụp lại trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.
Liên quan tới sự việc trên, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khẳng định "không có chuyện bê tông cốt chuối" ở dự án cao tốc.
Theo ông Thành, qua quan sát những hình ảnh lan truyền trên cộng đồng mạng có thể thấy đó là vị trí để lắp hộp kỹ thuật điện. Ông Thành giải thích để lắp hộp điện thì phải tạo một lỗ trống, nếu đổ bê tông liền sau đó đục lỗ sẽ dễ hỏng bê tông nên người ta dùng vật liệu mềm để độn vào.
Cũng theo lý giải của ông Thành, việc lót thân chuối, xốp vào bê tông là một trong những kỹ thuật của xây dựng. Người ta thường dùng xốp, vải hoặc cây chuối độn vào đều được sau đó hoàn thiện cho vuông vắn để lắp hộp điện kỹ thuật chứ không phải cốt thay thép bằng chuối.
Còn theo các chuyên gia xây dựng, thực tế việc dùng cây chuối độn bê tông là chuyện bình thường, cần chừa lại khoảng rỗng để lắp đặt các thiết bị khác nên đơn vị thi công đã lót thân chuối, xốp.
Được biết, cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi vừa được thông xe sáng 2/9. Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chia sẻ, đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư ngày 10/9/2010 và phê duyệt điều chỉnh ngày 22/12/2014.
Cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, được khởi công ngày 19/5/2013, đi qua địa phận Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng chiều dài toàn tuyến 140 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1). Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC làm chủ đầu tư và quản lý khai thác.
Nói về quá trình thi công cao tốc đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng, trước đó GS. TS. Trần Đình Bửu – Trường Đại học Xây dựng cho biết, việc thi công đường cao tốc cấp cao đòi hỏi một sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu trọng yếu như: Chuẩn bị mặt bằng thi công đầy đủ và sẵn sàng; các loại vật liệu và bán thành phẩm đạt chất lượng; công nghệ thi công thích hợp, tiên tiến theo quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn liên quan; máy móc thiết bị thi công đầy đủ và đồng bộ; đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên lành nghề; Nhà thầu đủ năng lực và có kinh nghiệm; Tư vấn giám sát có trình độ, công tâm, có trách nhiệm và đại diện chủ đầu tư có phương pháp quản lý tốt, khoa học, kịp thời…
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng trong xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam, Thạc sĩ Ngô Lâm – Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát kiểm tra chất lượng các công trình theo định kỳ; rà soát lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tế; rà soát các quy trình, quy định và bổ sung các thông tư cần thiết về đảm bảo chất lượng.
Theo Vietq/ HH&TH HN