Vụ sập tường trong đêm ở Hà Nội khiến 3 cháu bé tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?

14/05/2024 16:52

Kinhte&Xahoi Theo tiến sĩ luật Đặng Văn Cường: "Trong vụ việc này, vấn đề xác minh nguyên nhân của vụ tai nạn và sự việc có lỗi của cơ quan tổ chức nào hay không là yếu tố rất quan trọng để làm căn cứ xử lý".

Liên quan đến vụ sạt lở đất, gây sập tường khu vui chơi cho trẻ em trong nhà xảy ra vào khoảng 22h30 ngày 12/5 khiến 3 cháu nhỏ tử vong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của thành phố đến thăm hỏi, chia buồn và động viên 3 gia đình cháu nhỏ thiệt mạng sau vụ sạt lở tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Sạt lở đất ở Ba Vì vùi lập 3 bé gái tử vong.

Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp chính quyền địa phương tiếp tục thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình sớm vượt qua mất mát, ổn định đời sống.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố đổ tường làm chết 3 cháu nhỏ; rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở để có biện pháp phòng ngừa, gia cố, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản; xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Theo thông tin, 22h20 đêm 12/5, khu vui chơi kết hợp với nhà ở được một hộ dân kinh doanh trên địa bàn thôn 6, xã Ba Trại đã xảy ra sự cố đổ tường, khiến 3 cháu nhỏ thiệt mạng là: L.T.T, L.K.N đều sinh năm 2021 trú ở xã Cẩm Lĩnh và cháu T.T.A.D sinh năm 2019 trú ở xã Thuần Mỹ.

Vụ sập tường trong đêm ở Hà Nội khiến 3 cháu bé tử vong.

Nguyên nhân xảy ra sự cố ban đầu xác định do địa bàn xảy ra mưa lớn, dẫn đến việc tường đổ vào phía trong khu vực các cháu đang chơi.

Ghi nhận tại hiện trường sáng 13/5, ngôi nhà xảy ra sự cố nằm cạnh tỉnh lộ 414C là nhà ở kết hợp kinh doanh đồ chơi trẻ em. Khu vực tường đổ là tường ngăn xây gạch dày khoảng 22cm, không có trụ dầm chịu lực.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, ngay trong đêm xảy ra sự cố, huyện Ba Vì đã huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm và đưa thi thể các cháu về gia đình để lo hậu sự; xử lý khu vực xảy ra sự cố để phòng nguy cơ sạt lở đất. Huyện đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ mỗi gia đình 28 triệu đồng.

Liên quan đến sự việc trên, qua theo dõi vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) bảy tỏ quan điểm: Đây là vụ tai nạn rất thương tâm khi có đến 3 cháu bé tử vong. Điều đáng chú ý là các cháu bé gặp nạn trong khu vui chơi hoạt động không có giấy phép.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

"Trong vụ việc này, vấn đề xác minh nguyên nhân của vụ tai nạn và sự việc có lỗi của cơ quan tổ chức nào hay không là yếu tố rất quan trọng để làm căn cứ xử lý", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có lỗi của đơn vị kinh doanh khu vui chơi tự phát thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người vi phạm về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy, trước đó bức tường này không có biểu hiện ngã đổ, người chủ sở hữu công trình và người quản lý khu vui chơi không thể phát hiện ra nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ đổ tường, sự việc là do thiên tai, có nguyên nhân khách quan gây ra ngoài ý muốn thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự (vì không chứng minh được yếu tố lỗi), tuy nhiên vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn sẽ vẫn được đặt ra.

Theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, chủ sở hữu công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà ở, công trình xây dựng gây ra kể cả trong trường hợp không có lỗi (quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2015).

"Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bộ luật dân sự quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật (khoảng không quá 100 tháng lương cơ sở).

Vấn đề bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm hại được quy định chi tiết tại Điều 591 Bộ luật dân sự", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/vu-sap-tuong-trong-dem-o-ha-noi-khien-3-chau-be-tu-vong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-199006.html