Ca sĩ hát tại hội chợ thường gặp nhiều tình huống bi hài. (Nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
Niềm vui khán giả “cháy” hết mình
Hội chợ ca nhạc thường là hoạt động giải trí đặc thù ở các tỉnh, huyện, xã. Show hội chợ được chia thành 2 loại: đầu tư hoành tráng tổ chức tại các tỉnh lớn thì mời những “ngôi sao showbiz”; đầu tư sơ sài hơn được tổ chức tại những vùng quê với mức thu nhập dân cư bình dân thì mời “ngôi sao hội chợ”.
Với mức vé từ 100 - 300 nghìn đồng, nhiều người dân thu nhập trung bình có thể mua để thưởng thức nghệ thuật. Bởi vậy, một show hội chợ thường thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn khán giả mọi lứa tuổi. Tại đây, những ca sĩ biết khuấy động không khí, sẵn sàng giao lưu sẽ “hút” khán giả.
Với những show hội chợ bình dân, hàng ngàn khán giả sẵn sàng đứng, thậm chí ngồi bệt dầm mưa xem biểu diễn. Họ hò reo, hô tên ca sĩ yêu thích, thậm chí còn chạy ùa lên sân khấu hội chợ để hát nhảy cùng ca sĩ.
Tại những sân khấu này, ca sĩ dường như được tiếp lửa, biểu diễn “sung” hơn. Có khán giả sợ ca sĩ đói còn dúi cho nắm xôi, ổ bánh mì. Đó chính là niềm vui của ca sĩ đi hát hội chợ mà những sân khấu ca nhạc sang trọng ít có được. “Đi hát hội chợ vui kinh khủng vì khán giả lúc nào cũng đông nghẹt và cổ vũ nhiệt tình, dễ thương. Ca sĩ lẫn khán giả cảm thấy rất gần gũi” - ca sĩ Mỹ Tâm hào hứng nhớ lại một thời.
Ngoài niềm vui khán giả nhiệt tình, các ca sĩ hạng A hay hạng C đều có thể gia nhập “đội sao hội chợ”, bởi dù giá mỗi vé không cao, nhưng với hàng ngàn người đến xem và chi phí sân khấu tối giản đã đưa lại cho bầu sô khoản tiền lớn. Khoản tiền ấy, bầu sô chi trả một phần cho các ca sĩ. Nếu chạy sô chăm chỉ, nhiều ca sĩ chỉ chuyên đi hát hội chợ cũng có thể sắm nhà, sắm xe ô tô bạc tỷ.
Những “tai nạn” nghề nghiệp
Đi kèm với niềm vui, nhiều ca sĩ cũng phải đối mặt với những tình huống bi hài tại các show hội chợ. NSƯT Kim Tử Long chia sẻ cảm thấy bức xúc xen lẫn tổn thương vì bị dọa đánh khi đi diễn hội chợ vào ngày 5/12/2023. Một người đàn ông lạ đã xuất hiện và yêu cầu NSƯT Kim Tử Long ngừng biểu diễn. Theo miêu tả, người này có dấu hiệu say xỉn và tự nhận là người của một cơ quan nhà nước. Phía NSƯT Kim Tử Long đã có thiện chí trao đổi, mong muốn được xem giấy tờ nếu đúng sẽ tuân thủ. Tuy nhiên, người đàn ông này liên tục hét lớn, thậm chí còn chỉ tay vào mặt và buông lời dọa đánh nam nghệ sĩ.
Anh chia sẻ sự việc với hy vọng sẽ không còn gặp phải trường hợp tương tự. Kim Tử Long còn mong cơ quan chức năng và ban tổ chức hội chợ có hình thức xử lý người này thích đáng.
Nam ca sĩ Châu Gia Kiệt thì kể có những lần đi diễn, vừa đến đã thấy sân khấu bị phá sập, âm thanh ánh sáng cũng hỏng. Hóa ra sân khấu bị nhóm thanh niên say xỉn kéo đến quậy phá, ném đá khi ca sĩ đang hát.
Có không ít bầu sô tiết kiệm chi phí nên đầu tư sân khấu sơ sài dẫn tới không đủ điều kiện cho ca sĩ biểu diễn. Một số nghệ sĩ chỉ ngồi tạm trên vài chiếc ghế nhựa sát cầu thang để đợi đến lượt mình lên diễn. Ca sĩ Thu Hồng vẫn chưa hết sợ hãi khi kể chuyện đang biểu diễn “sung” thì ngã do sân khấu sập.
Các ca sĩ nam cũng “chịu trận” ở một góc độ khác. Ca sĩ Châu Gia Kiệt từng tâm sự: “Đi diễn đường khuya gặp những thanh niên phức tạp, có lần tự nhiên đang đi thì bị ném đá móp cả xe”. Hơn 10 năm đi hát đến nay, ca sĩ chuyên hát hội chợ Vũ Duy Khánh đã nhiều lần phải thay kính ô tô vì bị vỡ kính do khán giả ném đá...
Thùy Dương - Pháp luật Plus