Vượt nhiều khó khăn, đất nước vững vàng đi lên

01/11/2023 08:07

Kinhte&Xahoi Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Quang cảnh phiên họp chiều 31/10. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cần có giải pháp để nền kinh tế thích ứng tốt hơn

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) và một số đại biểu khác nhấn mạnh, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, song đất nước đã vững vàng đi lên. Tình hình kinh tế, xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta. “Cần đánh giá xem độ mở bao nhiêu là phù hợp? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định, gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”, Đại biểu nói.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Đại biểu đề nghị quan tâm tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Bày tỏ nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết ngày 30/6/2024, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình QH giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho hay, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã có báo cáo về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, qua đó cho thấy việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án này đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa; có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài, bao gồm cả những biện pháp về kinh tế và các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với 12 “đại dự án” này.

Còn băn khoăn về nguyên tắc kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai

Trước đó, sáng 31/10, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu vẫn còn ý kiến khác nhau về quy định đến nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 5, các Đoàn đại biểu QH, các cơ quan của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: quy định chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này. Phương án 2: quy định chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) bày tỏ nhất trí với phương án 1, cho rằng phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng vốn là bên yếu thế trong giao dịch BĐS. Theo Đại biểu, thời điểm được thu tiền đặt cọc ngay từ khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất như thể hiện tại phương án 2 sẽ dẫn đến khoảng thời gian từ khi nhận đặt cọc đến khi triển khai dự án trên thực tế rất dài, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng.

Trong khi đó, thị trường BĐS thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án BĐS lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự. Thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này xảy ra...

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) lại chọn phương án 2. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, phương án này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển hơn so với phương án 1, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn như hiện nay. “Việc đầu tư dự án cần kinh phí không nhỏ, cho phép chủ đầu tư thu tiền đặt cọc sớm sẽ giúp chủ đầu tư phần nào có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, nhất là góp phần gia tăng cơ hội thu hút các khách hàng tiềm năng”, Đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, mặc dù phương án này còn có thể mang lại nhiều hơn rủi ro đối với khách hàng nhưng có thể khắc phục bằng cách thắt chặt quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt ngay từ khâu xem xét, lựa chọn nhà đầu tư ban đầu để bảo đảm năng lực và khả năng thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Quốc hội sẽ chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực

Chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, QH sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm các lĩnh vực gồm: nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước…); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, xây dựng…); nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán nhà nước. Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế. Trên tinh thần đó, Chủ tịch QH đề nghị Tổng Thư ký QH hoàn thiện kế hoạch, chương trình phiên chất vấn.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, QH sẽ dành 2,5 ngày làm việc dành cho hoạt động chất vấn, từ ngày 6/11 đến hết sáng 8/11. 

Bảo An - Minh Ngọc - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/vuot-nhieu-kho-khan-dat-nuoc-vung-vang-di-len-d200378.html