WHO tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc giải độc tố Botulinum cho Việt Nam

08/09/2020 15:50

Kinhte&Xahoi Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày 8/9 từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thuốc Botulism antitoxin heptavalent, giải độc tố Botulinum là loại thuốc hiếm. Ảnh: Minh Nhât. 

Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc pate Minh Chay, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc Botulinum.

Số thuốc này sẽ được vận chuyển bằng máy bay từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ về Hà Nội trên chuyến bay ngày 8/9. Loại huyết thanh này sẽ được bảo quản trong điều kiện đặc biệt.

Theo PGS Giáng Hương, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.

Trước đó, sau khi có thông tin Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị 2 trường hợp bị ngộ độc do độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum, Cục Quản lý Dược đã liên hệ ngay với WHO đề nghị hỗ trợ và WHO đã khẩn trương tìm kiếm nguồn thuốc botulism antitoxin từ Thái Lan và đồng ý viện trợ điều trị hai bệnh nhân trên.

Trong thời gian vừa qua một số người dân sử dụng pate Minh Chay đã bị ngộ độc do trong thực phẩm này có chứa độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum. Việc nhiễm độc tố của vi khuẩn này gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, phụ thuộc thở máy, nguy hiểm đến tính mạng. 

Các trường hợp nhiễm độc tố của vi khuẩn này rất hiếm gặp. Các trường hợp biến chứng nặng được chỉ định sử dụng thuốc botulism antitoxin để giải độc. Đây là một thuốc hiếm, hiện chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Cục Quản lý Dược đang khẩn trương tổng hợp nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời Cục cũng tiếp tục liên hệ với WHO và các hiệp hội, cơ sở sản xuất để tìm nguồn cung thuốc. 

 Nam Phương - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/who-tai-tro-khan-cap-10-lieu-thuoc-giai-doc-to-botulinum-cho-viet-nam-20200908151109083.htm