Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại nhà hóa thân ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 26/4 tuyên bố tình hình Ấn Độ, nơi số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng đột biến, là "vô cùng thương tâm" và WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ để trợ giúp chiến đấu chống đại dịch.
Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động được lắp đặt sẵn cũng như vật tư phòng thí nghiệm."
Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch COVID-19.
Cùng ngày 26/4, Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đang ngập tràn các bệnh viện giữa lúc nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cam kết cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp cho nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận chi tiết về tình hình COVID-19 tại mỗi quốc gia.
Trong cuộc điện đàm, ông Biden đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia châu Á đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước tới nay, chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn khiến số ca mắc mới tăng mạnh.
Nhà Trắng cho hay, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden khẳng định Washington quyết tâm hỗ trợ New Delhi ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới đang bùng phát mạnh tại Ấn Độ.
Mỹ sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ, trong đó có việc chuyển khẩn cấp các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để giúp Ấn Độ chống dịch.
Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã có cuộc trao đổi hiệu quả với Tổng thống Biden, đồng thời bày tỏ cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ về sự hỗ trợ mà Washington dành cho New Delhi.
Trong cuộc điện đàm, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng nguyên liệu vaccine, dược phẩm hiệu quả và thông suốt, khẳng định quan hệ đối tác y tế Ấn Độ-Mỹ có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu do COVID-19 gây ra./.
Theo TTXVN