Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã tăng lên đáng kể.

Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi theo yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế, bao gồm: giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ,…

WHO gọi tất cả những yếu tố kể trên là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid -19.

WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn ngày 23/01

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành cũng được làm rất tốt.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh: Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới.

Cụ thể, cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (2005).

3 bệnh nhân dương tính nCoV tại Việt Nam ngày ra viện. Tính đến hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi cho 7 trên tổng số 16 trường hợp mắc Covid -19

WHO cũng cho biết: Hiện không có vacxin phòng bệnh Covid -19. Tuy nhiên, việc sản xuất vacxin đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng.

WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vacxin hiện đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng này.

Để tránh bị nhiễm nCoV, WHO khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm. Nếu có thể, cần tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.

WHO nhấn mạnh, có những biện pháp sau đây KHÔNG được khuyến cáo trong việc điều trị Covid -2019 bởi chúng không có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm:

· Hút thuốc

· Tự uống thuốc, ví dụ như kháng sinh

· Đeo nhiều khẩu trang cùng lúc để tối ưu mức bảo vệ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: 100% các trường học hoàn thành phun thuốc khử trùng, tiêu độc đợt 3

Ngày 16-2, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai công tác vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19). Đây là lần thứ ba việc phun thuốc khử trùng, tiêu độc được thực hiện đồng loạt tại các trường học.

Link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/who-viet-nam-da-xu-ly-dich-covid-19-rat-tot-616777.html