Xây dựng phương án hỗ trợ cơ sở giáo dục ngoài công tập hơn 800 tỷ đồng

13/11/2021 11:22

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục với tổng số tiền hơn 800 tỷ đồng.

Đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 11/11, liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Dịch bệnh đã khiến hệ thống giáo dục mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc và có khoảng 1,2 triệu cháu nguy cơ không có chỗ học.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục. Tổng số gói là hơn 800 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VTC.VN

Trong đó, có đề xuất các hỗ trợ về vay vốn, thuế cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục nhận thấy là, cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế hỗ trợ các đối tượng trong nhóm các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Có ý kiến cho rằng, dạy trực tuyến vất vả thì có cần quy đổi giờ dạy như thế nào cho giáo viên đỡ thiệt thòi; Bộ trưởng trao đổi: Bộ GD&ĐT đã tính toán, nhưng trước mắt, toàn ngành thống nhất rằng, trong khi ngành Y tế, Công an, Quân đội… cũng đang vất vả chống dịch thì cũng không cớ gì ngành Giáo dục lại xin thêm thù lao, tính giờ.

Bộ trưởng khẳng định: “Tạm thời chúng tôi cũng động viên giáo viên như vậy, tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh ổn định, qua thực tế rà soát, chúng tôi sẽ tính toán, đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách để vận hành công tác giáo dục được tốt hơn”.

Ngành Giáo dục đang hoàn thiện chiến lược GD&ĐT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Bộ đã lấy ý kiến các Bộ, ngành và xác định hướng quan trọng, trong đó lựa chọn việc chuyển đổi số, tăng cường hạ tầng cho giáo dục được xem là khâu mang tính đột phá. Còn nhân tố mang tính then chốt cho sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công là xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng năng lực phẩm chất, trong đó, xây dựng đội ngũ các chuyên gia đảm bảo sự phát triển về lâu dài.

Nghiên cứu phương án thi tốt nghiệp THPT 2022

Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: “Kỳ thi đã được luật hoá và Bộ GD&ĐT đang thực thi theo quy định của pháp luật. Năm 2022, Bộ đã nghiên cứu phương án thi, thậm chí còn linh hoạt hơn để ứng  phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình, các tỉnh thành hoặc nhóm tỉnh thành có thể có lịch thi linh hoạt hơn.

Bộ đang xây dựng phương án ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp, đủ lớn để có thể thi thành nhiều đợt; thậm chí mỗi tỉnh có một kế hoạch thi khác nhau. Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ. Nếu điều kiện cho phép, thì kỳ thi được tổ chức thành một đợt vẫn là tối ưu nhất".

Trước ý kiến của đại biểu về việc có nên yêu cầu các trường đại học cam kết việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, điều này khó khả thi.

“Việc tuyển dụng không nằm trong tay của nhà trường. Ngay cả doanh nghiệp cũng khó có thể khẳng định là ký hợp tác tuyển dụng bao nhiêu nhân lực. Tuy nhiên, việc quan trọng là cần tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, trường” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Hùng Tâm - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phát huy vai trò truyền thông trong bảo tồn biển

Thế kỷ XXI được gọi là “Thế kỷ của đại dương”, do vậy Việt Nam đã và đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030. Trong đó, truyền thông được xác định là công cụ sắc bén và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/xay-dung-phuong-an-ho-tro-co-so-giao-duc-ngoai-cong-tap-hon-800-ty-dong-d170566.html