Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh

26/12/2023 09:52

Kinhte&Xahoi Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.

Nhờ đó, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân được phát huy, góp phần giúp công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến học sinh vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, gần 900 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Nguyên nhân là do nhiều em đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn chưa hiệu quả.

Đây đó đã có sự thiếu trách nhiệm khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, của gia đình. Chưa kể, một số địa phương còn buông lỏng quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 21-12-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh đến xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.


Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg, theo các chuyên gia, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong các cấp học. Các trường học cần đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.

Các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai hiệu quả tại địa phương. Do vậy, các địa phương vừa tuyên truyền, vừa xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh.

Cần phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, từ đó triển khai các giải pháp một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh.

Hà Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xay-dung-van-hoa-giao-thong-cho-hoc-sinh-654130.html