Xử lý hàng hóa giả mạo trên sàn thương mại điện tử: Bộ Công Thương có đơn độc?

23/06/2020 10:35

Kinhte&Xahoi Gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được khá nhiều hàng hóa giả mạo mua bán trên môi trường thương mại điện tử. Nhưng thực tế số lượng vụ việc phát hiện còn ít so với quy mô thực tế của thị trường.

Một hệ thống bán hàng hóa giả mạo trên môi trường thương mại điện tử mới bị quản lý thị trường kiểm tra, xử lý.

Che giấu rất tinh vi

Thông tin về việc thu giữ hàng hóa giả mạo bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội tại nhiều địa phương… liên tiếp được cập nhật nhưng số lượng này vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế.

Nguyên nhân là do nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian…

Hiện, các sàn TMĐT cũng đã có các bộ lọc để sàng lọc hàng hóa nhưng theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Tổ trưởng Tổ công tác về TMĐT (Tổng cục Quản lý thị trường - QLTT), nhiều đối tượng là người bán trên các sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của Sàn giao dịch. Cụ thể, đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán. Ví dụ, với sản phẩm NIKE, để tránh bị kiểm soát, người bán đăng bán sản phẩm tương tự N.I.K.E, N_IK_E, NI _KE... 

Hoặc thậm chí có đối tượng bán mặt hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm hoặc đưa một tên khác rất khó phát hiện, ví dụ bán lá cây cần sa nhưng đối tượng rao bán lá cây đu đủ, cỏ Mỹ... Một số đối tượng còn cố tình tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng.

Nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài (trả tiền thông qua thẻ tín dụng) mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ (hosting) ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập các fanpage hoặc tài khoản cá nhân trên Facebook để chạy quảng cáo hoặc lừa đảo theo hình thức khuyến mại, trúng thưởng, v.v… Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

Bộ Công Thương cần phối hợp liên ngành 

Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh sẽ bị phạt từ 40- 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vi phạm, các cán bộ QLTT rất khó thực thi khi chưa có đủ những căn cứ áp dụng. Vì trên thực tế hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng rất đa dạng như: Giả nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ; giả về chất lượng; giả về thông tin ghi trên bao bì, nhãn hàng hóa như giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... 

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Kỳ Minh kiến nghị, cần phải thực hiện rà soát các Nghị định liên quan đến TMĐT. Đặc biệt, các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền… theo hướng phải minh bạch hóa thông tin sản phẩm, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán… 

Thực hiện kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT kinh doanh các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và nhóm các mặt hàng xuất hiện nhiều hàng giả, nhái trên mạng như thời trang, quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ... và các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác… 

Ngoài ra, còn cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, công an trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Trước mắt, Tổng cục QLTT sẽ xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Facebook.

Trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại…

TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hoặc nhập lậu theo đường tiểu ngạch… 

“Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương vào cuộc mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Ngân hàng, Hải quan, Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với từng nhóm mặt hàng để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu”, Tổ trưởng Tổ công tác về TMĐT (Tổng cục QLTT) nhấn mạnh.

 Nhật Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại biểu của dân

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/xu-ly-hang-hoa-gia-mao-tren-san-thuong-mai-dien-tu-bo-cong-thuong-co-don-doc-d127756.html