Xử phạt xe không chính chủ: Cần hiểu đúng quy định pháp luật

13/01/2020 09:24

Kinhte&Xahoi Trong những ngày gần đây, dân mạng đang hết sức xôn xao về quy định tăng mức phạt tiền đối với hành vi “xe không chính chủ” tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Vậy thực chất quy định này là gì? Ai phải lo lắng về quy định này? Liệu người điều khiển xe mượn, xe thuê có bị xử phạt về hành vi này hay không?


Ảnh minh họa.

Theo quy định hiện hành, ngay cả Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn cũng không có hành vi nào là “xe không chính chủ”. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA và Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì ta có thể hiểu lỗi “xe không chính chủ” ở đây chính là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Theo đó, chủ phương tiện mô tô, ô tô và các loại xe tương tự khi có phát sinh giao dịch như mua bán, tặng cho, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không thực hiện việc đăng ký sang tên xe  trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì sẽ bị phạt tiền, trong đó, đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt tối đa lên đến 600.000 đồng nếu là cá nhân, 1.200.000 đồng nếu là tổ chức, đặc biệt, đối với chủ xe ô tô, mức phạt tối đa này sẽ lên đến 4.000.000 đồng nếu là cá nhân, 8.000.000 đồng nếu là tổ chức.

Có thể thấy, rõ ràng theo quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xử phạt đối với hành vi “xe không chính chủ” chỉ áp dụng đối với người điều khiển phương tiện là chủ xe mô tô, xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự, tức phải là chủ sở hữu của phương tiện.
 
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu phương tiện là người có 03 quyền sau: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không đủ 3 quyền trên, tức là không phải chủ sở hữu phương tiện thì không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của các điều khoản trên. Điều đó có nghĩa, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn hoặc sử dụng chung phương tiện với người thân trong gia đình để tham gia giao thông sẽ không bị xem xét, xử lý về hành vi “xe không chính chủ”.

Ngoài ra, Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100 quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm lỗi “xe không chính chủ” của chủ phương tiện chỉ được thực hiện khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT đề thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (tức xe không chính chủ).

Như vậy, nếu người điều khiển xe mang theo đầy đủ giấy tờ của xe như đăng ký xe, bảo hiểm xe, GPLX,... và không có hành vi vi phạm giao thông nào thì lực lượng CSGT cũng không được quyền dừng xe kiểm tra, xác minh và xử phạt đối với hành vi điều khiển xe không chính chủ này.                                                                            

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/xu-phat-xe-khong-chinh-chu-can-hieu-dung-quy-dinh-phap-luat-d115027.html