Xứ Thanh - Chất màu lịch sử!

31/12/2019 11:20

Kinhte&Xahoi Là vùng đất địa đầu của miền Trung kiên dũng, xứ Thanh như cửa ngõ mở rộng để đón nhận từ muôn nơi đổ về. Và bất kỳ là người miền gần hay người miền xa, đã từng đến và sống ở đây đều có chung một sự gắn kết và mến yêu tha thiết đối với xứ sở này. Rồi nếu phải đi xa thì đất - nước - con người – cuộc sống ở đây sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ, thân thuộc đến mức không thể nào quên.

Một điều đặc sắc và thú vị hơn nữa, đó là cái nghĩa và cái nhớ về Xứ Thanh lại có cái gì rất cụ thể mà thân thiết lạ thường, chứa chan tình cảm:

“Ai về nhớ vải Đông Hòa

Nhớ câu Hồ Bái, nhớ cà Đan Nê

Nhớ dưa Quảng Hán, Lưu Khê

Nhớ cơm Chợ Bản, thịt dê Quán Lào”.

Đúng thật, không nhớ sao được. Đây là xứ sở quê hương của nhiều đặc sản nổi tiếng mà kẻ gần, người xa đều phải trầm trồ khen ngợi như: Quế Thường Xuân, Cam giấy Làng Giàng, thuốc lá Sóc Sơn, Chè Lam Phủ Quảng, nước mắm Do Xuyên, dừa Hoằng Hóa, mía Kim Tân, bánh gai Tứ Trụ, chè Lược Thọ Xuân, bánh chưng Cầu Hậu.v.v…Chính những thứ này đã tạo cho Xứ Thanh một dư vị độc đáo, đậm đà riêng biệt mà xứ khác không thể nào có được. Chỉ cần một thứ đặc sản mà tên tuổi của Xứ Thanh cũng đã được thấm sâu vào nỗi nhớ và tình cảm của người miền xa như “Nem xứ Huế, Quế xứ Thanh”.

Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng kể trên, Xứ Thanh  còn có rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống lừng danh như: Chiếu Nga Sơn, lụa Đông Hồ, đồ đá Làng Nhồi, đồ đồng Chè Đông.v.v…Không hiểu thế nào mà trong câu ca dao ngợi ca các sản vật đất nước, người ta lại xếp “Chiếu Nga Sơn” lên trên “Gạch Bát Tràng” rồi mới lần lượt đến “Vải tơ Nam Định, Lụa hàng Hà Đông”. Nghe ra thì thấy sự xắp đặt của câu ca cũng có lý và ý nhị thôi, bởi vì Chiếu Nga Sơn (đặc biệt là chiếu ở vùng Tam Tổng, là loại chiếu mà nhân dân vẫn cứ lưu truyền: “vừa rộng vừa bền, mùa hè mát lưng, mùa đông ấm cật”.

Xứ Thanh còn là quê hương bạt ngàn của tre, nứa, luồng, song, mây và gỗ quý. Cho nên nghề đan lát và nghề đóng đồ gỗ rất thịnh hành. Từ đất Kinh Bắc và Thăng Long văn vật đến cố đô Huế, ở đâu cũng thấy sự có mặt của các nghệ nhân điêu khắc gỗ Đại Tài. Rất nhiều tác phẩm của họ vẫn còn để lại tên tuổi trên các chùa, miếu mạo, lăng tẩm, điện đài ở các miền trong nước.

Xứ Thanh không chỉ giàu có về đặc sản, mà xứ Thanh còn phong phú về cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, và rất đúng như lời quả quyết của GS Hoàng Xuân Hản (ở cuốn Lý Thường Kiệt của ông)  rằng: “Với núi sông thắng tích của đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”. Cho nên từ lâu, người ta vẫn xem Xứ Thanh như người bạn tình, tri kỷ không thể nào dứt được. Sống ở xa Xứ Thanh, nhưng họ vẫn nhớ mong và khát vọng thiết tha đến những cái đẹp quyến rũ, cái đẹp say lòng của Hàm Rồng kỳ thú và rung động hồn thơ. Đó chính là bức tranh sơn thủy khổng lồ hoàn hảo và lung linh đủ mọi sắc màu sinh động của đồng ruộng - núi – sông - xóm làng - biển cả và hải đảo. Ca dao cổ:  

“Thanh Hóa thắng địa là nơi

Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành”.

Ai xui ta nhớ Hàm Rồng

Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây”.

Sau những đêm dài nô lệ vừng đông bừng sáng của thời đại Hồ Chí Minh, Xứ Thanh lại càng thanh trong sắc ngọc, và cái đẹp còn hơn vạn lần xưa. Từ đỉnh cao thời đại, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc đã nhìn về xứ Thanh trong cái đẹp hồi xuân phơi phới: 

Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng

Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên

Đặc biêt quá! ở Xứ Thanh, bên cái đẹp cái giàu có vô tận của tài nguyên thiên nhiên phong phú, đã và đang mở ra cho xứ này một tiềm năng phát triển kinh tế thật lớn lao. Rừng biển rộng dài là một nguồn lực to lớn thường xuyên cung cấp cho nhu cầu đời sống và xuất khẩu - các dòng sông Chu, Sông Mã, Sông Mực, Sông Bưởi.v.v.. ngày đêm trở nặng phù sa cho lúa, ngô, khoai… xanh biếc đôi bờ.

 

Rồi chúng ta sẽ còn phải nhớ và mến yêu thiết tha xứ Thanh hơn bởi vì ở đây, bên cái phong phú của sự giàu đẹp là cái đa dạng và sinh động của chất màu lịch sử. Chính đây là vùng đất ngày xưa văn vật, rất đỗi anh hùng, luôn mang lại những niềm vinh quang bất tử cho Tổ quốc.

Trải dài trong bề dày thời gian, trong chiều dài lịch sử, Xứ Thanh như thu nhỏ và dồn tụ những vẻ đẹp đặc trưng tiêu biểu của truyền thống dân tộc.

Từ buổi ấy, cánh chim Lạc Việt và nhịp trống đồng Đông Sơn trầm hùng cứ thế dẫn dắt các thế hệ cháu con xứ Thanh đi theo guồng quay của lịch sử dân tộc để góp phần soạn trọn  bài ca dựng nước và giữ nước, sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.

Thật vinh dự và tự hào. Cuộc hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của Xứ Thanh. Là hậu cứ và thế dựa vững chắc của đất nước. Xứ Thanh từng gánh biết bao trọng trách nặng nề qua mỗi cơn thử thách gian lao của lịch sử. Chính vì vậy mà khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. LeBreton - một học giả người Pháp đã có một nhận xét ngắn gọn về xứ Thanh: “Đây chính là sân khấu của những bản hùng ca vĩ đại của nước Việt Nam”. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Xứ Thanh cũng là địa bàn cách mạng kiên cường. Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp thì xứ Thanh là một pháo đài bất khả xâm phạm, một hậu phương to lớn, góp phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Bác Hồ nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xứ Thanh lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ vững chắc hậu phương XHCN.

Xứ Thanh văn hiến còn là nơi sản sinh ra nhiều học giả lỗi lạc mà tên tuổi và tác phẩm còn lừng danh mãi mãi. Từ Lê Văn Hưu, tác giả Đại Viêt Sử ký toàn thư là nhà viết sử đầu tiên của Việt Nam đến các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng: Cao Bá Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Phu Tiên, Nhữ Bá Sĩ, Đào Duy Từ.v.v…đều là những danh nhân nổi tiếng của đất nước. Ngoài ra, ở xứ Thanh còn một nhà bác học đó là Hồ Nguyên Trừng (thế kỷ XIV) - người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo được đại bác (tức súng thần công) có sức công phá hơn bất kỳ loại vũ khí nào của Trung Quốc lúc đó.

Với sự giàu đẹp của quê hương xứ sở và được kết tụ, chắt lọc bởi truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời cho nên, người Xứ Thanh đã tạo cho mình được phong cách riêng khá đậm nét. Lịch triều hiến chương loại chí thì nhận xét về người xứ Thanh như:  “Phong tục thì phóng khoáng và cương nghị”, “cương nghị” là “chuộng điều nghĩa”, vì thế, xứ Thanh mới trở thành “Sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của nước Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, người con của xứ Thanh đã tự ý thức được điều sâu thẳm đó khi viết: “Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này/ Vì sao lại hát dô huầy/ Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang/ Vì sao đi cấy sáng trăng/ Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng”. 

Không có gì là ngẫu nhiên khi mà ở đó, mọi sự vật, mọi tâm thế vui buồn chỉ còn bóng dáng phù du, đến mức trái tim dâng hiến: “Mồ hôi xương máu đổ ra/ kết dâng thành đảo gọi là Đảo Mê/ Đá Mài Mực, đá Ăn Thề/ Yêu nhau mang cả biển về rửa chân/ Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này”. Những câu thơ ấy nặng đầy cảm xúc, và bình thản mang nghệ thuật thi ca đến với người đọc; và không phải tán dương thêm gì cả,vì sự vĩ đại tự nó đã nói lên tất cả.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thanh Hóa càng quyết tâm phát huy những thế mạnh sẳn có về đất đai, về truyền thống quý báu, là nguồn cội sức mạnh, tinh thần to lớn để Đảng bộ, Chính quyền và mỗi người dân Xứ Thanh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; chung sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làng hoa Tây Tựu đem sắc xuân đến với Thủ đô

Từ lâu, làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nổi tiếng với nghề trồng hoa truyền thống, nơi đây cũng được coi là vùng cung cấp hoa tươi chủ lực cho thị trường Thủ đô những ngày giáp Tết và các ngày lễ lớn.

Nguồn: KD&PL