Xuất khẩu tăng chậm nhưng sẽ cán đích

19/10/2019 09:52

Kinhte&Xahoi Kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhiều mặt hàng thế mạnh tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng Bộ Công Thương khẳng định kim ngạch XK sẽ về đích đúng mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Tăng trưởng của khối DN trong nước đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng qua

Nhiều mặt hàng giảm tăng trưởng

Trong 9 tháng đầu năm 2019, 5 mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Dù thế, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng của năm 2018 và 23,3% trong 9 tháng của năm 2017. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 9 tháng năm 2019, mặc dù XK rau quả sang các thị trường như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Australia…; đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm XK sang thị trường Trung Quốc. XK rau quả sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Do đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019 XK mặt hàng rau quả chỉ đạt 2,81 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, kim ngạch XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3,29 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019. 

Mặc dù vậy, đại diện Bộ Công Thương vẫn nhận định, hoạt động XK của Việt Nam trong 9 tháng qua đã duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm. 

Mức tăng trưởng quý I đạt 5,3%, quý II đạt 7,2%, sang quý III tình hình XK đã có sự cải thiện hơn, qua đó đưa tổng kim ngạch XK trong 9 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Bộ Công Thương, mức tăng trưởng này tuy có chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là tăng trưởng XK từ 7%- 8% trong năm 2019.

Động lực từ doanh nghiệp trong nước 

Kể từ khi đạt thặng dư thương mại 780 triệu USD (vào năm 2012), sau 20 năm liên tục nhập siêu, Việt Nam đã duy trì xuất siêu khá ổn định. Nếu không tính năm 2015,  Việt Nam bất ngờ nhập siêu 3,54 tỷ USD thì nền kinh tế đã liên tục ổn định với mức xuất siêu trên 2 tỷ USD mỗi năm (năm 2014: 2,37 tỷ USD, năm 2016:2,52 tỷ USD, năm 2017: 2,92 tỷ USD; và năm 2018 đạt con số kỷ lục với 7,2 tỷ USD). Thế nên việc Bộ Công Thương dự kiến năm 2019 lại… nhập siêu khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong cuộc tổng kết ngành Công Thương năm 2018, Thủ tướng Chính phủ nói: “Không chấp nhận kinh tế Việt Nam 2019 lại xuất siêu”. 

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, có thể Bộ Công Thương tính toán năm 2019 nhiều DN đầu tư nước ngoài sẽ nhập khẩu linh kiện để mở rộng đầu tư, trong khi đó xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng trên toàn cầu nên dự kiến nhập siêu cho an toàn. 

Bối cảnh thương mại toàn cầu đã diễn ra đúng như các chuyên gia lo lắng, thậm chí sụt giảm mạnh nhưng đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và DN, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên 10 bậc thì việc kim ngạch XK 9 tháng qua của Việt Nam cho kết quả khá tích cực là phản ánh sự ổn định tăng trưởng kinh tế của nước ta. 

Trong đó, XK của khối DN trong nước đã vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Khác với các năm trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp (nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018). Theo nhận định của Bộ Công Thương, tăng trưởng XK của khối các DN trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không thể gian dối mãi

Động thái mới nhất từ Sơn La: Phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử đã dừng lại sau phần xét hỏi và đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm xử lý vụ án, Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung bởi có dấu hiệu tội danh khác lộ diện tại phiên tòa này. Cụ thể, đó là tội đưa và nhận hối lộ.

Nước sạch bi nhiễm dầu bẩn: Nên xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Viwasupco

Nhiều ngày qua, hàng vạn hộ dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nước sạch. Nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà cung cấp tới các hộ dân bị ô nhiễm. Nhiều ý kiến cho rằng, các hộ dân có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước sạch, thậm chí, đơn vị cung cấp nước sạch còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Nguồn: Pháp luật Plus