Xuất siêu trở lại trong tháng 10

07/11/2021 07:35

Kinhte&Xahoi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các chỉ số trong tháng 10 rất tích cực; cầu tiêu dùng tăng trở lại...

Chiều ngày, 6/11, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay sau khi Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp kết thúc chuyến đi tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 đến 6/11/2021.

Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì, phục hồi kinh tế, xã hội.

Lãi suất có xu hướng giảm

Theo báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%. Trong tháng 10/2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 111,2%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%.

Ảnh minh họa, Bộ Công thương.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vaccine.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, từng bước hoạt động trở lại ổn định trong trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó lớn nhất là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội; việc bảo đảm các cân đối lớn và giữ ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Số ca mắc trong cộng đồng giảm 66,7%

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với thời điểm cách đây 1 tháng, trước khi thực hiện Nghị quyết 128, số ca mắc trong cộng đồng giảm 66,7%; số tử vong giảm 64,6%; số ca điều trị giảm 97,3%. Điều này phần nào thể hiện rõ hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine. Cơ bản hiện nay các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 128, Bộ trưởng Y tế cho biết.

Đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vaccine đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương 109 triệu liều, số còn lại đang phân bổ tiếp. Tổng số liều đã tiêm là 88 triệu liều, tốc độ tiêm ngày hôm qua (5/11) đã lên tới 2 triệu mũi tiêm.

Nỗ lực tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các tỉnh/thành phố đang được đẩy mạnh. Ảnh Báo Thanh niên.

Đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, có 27,7 triệu người trên 18 tuổi và tổng số vaccine đã phân bổ cho khu vực này là 51,7 triệu liều. Tính chung cả khu vực này, 94,7% dân số trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1; 51,5% đã tiêm mũi 2. Bộ Y tế tiếp tục coi đây là khu vực trọng điểm để cung ứng vaccine và bảo đảm thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Về tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay, tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, qua các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cáo việc thay đổi chiến lược, tư duy phòng chống dịch của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị tiếp tục bao phủ vaccine, tạo điều kiện tối đã cho việc giao thương, đi lại giữa các vùng, các địa phương, trong đó đẩy mạnh ứng dụng tích hợp số hóa, công nghệ thông tin; thúc đẩy phục hồi kinh tế ở các địa phương, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm.

Xuất siêu trở lại trong tháng 10

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các chỉ số trong tháng 10 rất tích cực; cầu tiêu dùng tăng trở lại; xuất siêu trở lại trong tháng 10 trong khi 9 tháng trước là nhập siêu; đầu tư tăng 15,8% cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài về sự hồi phục kinh tế của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế; tín dụng 10 tháng tăng 8,6%; mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai hỗ trợ giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội dưới 4%.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện quan trọng trong tháng 10 là kể từ ngày 11/10, “chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, phương pháp cũng như cách tổ chức thực hiện công tác phòng chống COVID-19 sang một giai đoạn mới, từ chủ trương theo đuổi ‘zero-COVID’ sang chủ trương thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Cá tra, mặt hàng xuất khẩu của ngành Thủy sản. Ảnh Tạp chí Thương Trường.

Cụ thể là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800. Các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản đồng tình và tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 128. Khi chuyển trạng thái có thể xảy ra “vấn đề này, vấn đề kia” nhưng quan trọng nhất là chúng ta phát hiện ra, điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời.

Thủ tướng nêu rõ, “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu”, và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng cho biết, chỗ nào phát sinh ổ sinh thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nếu một tổ dân phố có dịch thì cả phường, cả xã phải lo; một phường, một xã mà bị thì cả huyện phải lo; một huyện mà bị thì cả tỉnh phải lo; một tỉnh mà bị thì cả khu vực phải lo. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia hỗ trợ các địa phương.

Nhắc lại tình hình tháng 10, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành khối lượng lớn công việc, bao gồm chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương 4 (khóa XIII), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tập trung cho công tác đối ngoại, cả đa phương và song phương.

Để hoàn thành tốt các công việc này, Thủ tướng cho rằng có sự đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Đề cập cụ thể đến tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, có nhiều điểm tích cực. Trước hết, dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chính sách an sinh xã hội, chiến lược vaccine được đẩy mạnh (gồm cả nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và tiêm chủng).

Nhắc lại chuyến tham dự COP26, thăm làm việc Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng cho biết khi làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức như AstraZeneca, chương trình COVAX thì đều nhận được cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam. “Ngay khi tới Paris, Pháp, tôi đã gặp bà Giám đốc điều hành Chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX và bà đã hứa trong tháng 11, cung cấp đủ cho chúng ta hơn 38 triệu liều”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu duy trì đà tăng tích cực; khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu. Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tốt. Về xu hướng thu hút FDI gia tăng, Thủ tướng lưu ý phải làm tốt hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cho biết trong các chuyến thăm Anh, Pháp, các nhà đầu tư nước ngoài đều thể hiện tin tưởng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với con người Việt Nam và ổn định chính trị, cho rằng khó khăn của Việt Nam là nhất thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; rủi ro tài khóa, nợ công, sức ép lạm phát...

Triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh

Trước thách thức dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay chúng ta đã có hơn 120 triệu liều vaccine mà đến nay mới tiêm được 88 triệu liều, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vaccine còn lại trong tháng 11 này.

Thách thức, khó khăn nữa là hoạt động bán lẻ đã phục hồi nhưng còn yếu. Do đó, cần kích thích tiêu dùng nội địa. Cho rằng đầu tư công còn bất cập, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân tích rõ nguyên nhân, điểm nào do thể chế chính sách, do khâu tổ chức thực hiện. Phải tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công.

Mặc dù tình hình doanh nghiệp đã phục hồi, số doanh nghiệp trở lại hoạt động nhiều hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhưng doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền, lãnh thổ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là về nguồn nhân lực; chăm lo an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, sức chống chưa cao. Kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Để có thể tập trung mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh muốn vậy, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Bộ Y tế cần tổ chức chiến dịch cho các tỉnh tiêm vaccine còn chậm.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh, cùng với biện pháp 5K, để tiến tới mở cửa trường học với tinh thần mở cửa phải bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, các thành viên Chính phủ chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, kịp thời cung cấp thông tin, giải trình, trả lời chất vấn.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021./.

Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thay đổi tư duy chống dịch theo hướng quản lý rủi ro

Chiều 6/11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau khi Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 - 5/11/2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xuat-sieu-tro-lai-trong-thang-10-d170219.html