Xúc động câu chuyện cậu học trò hơn 1.400 ngày cõng bạn đến lớp

17/02/2022 07:49

Kinhte&Xahoi Dù nắng hay mưa cậu học trò Phạm Anh Tú (lớp 12, trường THPT Minh Khai, Quốc Oai, Hà Nội) luôn ở bên hỗ trợ người bạn Hoàng Hải Đăng không may bị bệnh.

Tú khiến bao người xúc động vì hành động đẹp nhưng khi được hỏi lại khiêm tốn cho biết: “Việc làm của em rất nhỏ bé…”.

Nhiều năm qua, bạn bè, thầy cô ở hai ngôi trường THCS Hòa Thạch và THPT Minh Khai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) luôn cảm phục, ngưỡng mộ tình bạn đẹp giữa Phạm Anh Tú và Hoàng Hải Đăng.

Đăng không may mắc căn bệnh vô cùng hiếm gặp là rối loạn dưỡng cơ Duchenne. Căn bệnh khiến cơ thể cậu học trò có nhiều biểu hiện bất thường. Khi leo cầu thang thường phải vịn bằng cả hai tay, đùi của Đăng cứ teo dần, sang lớp 6 thì không thể đứng thẳng được nữa. Không chỉ chân yếu mà tay của Đăng cũng dần teo tóp, đến cầm cái cốc cũng khó.

Tình bạn đẹp giữa Phạm Anh Tú và Hoàng Hải Đăng khiến nhiều người ngưỡng mộ

Vì thế, từ một cậu bé hiếu động, hay cười, Đăng dần trở nên tự ti, nhút nhát, thu mình lại. Tuy nhiên, cậu học trò rất ham học, dù bệnh tật dày vò đau đớn, mỗi ngày phải uống hàng vốc thuốc vẫn kiên trì đến lớp.

Cơ duyên khiến Tú tuy sống khác xã nhưng lại học chung trường chung lớp với Đăng từ năm lớp 6 (trường THCS Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội). Thời gian đầu lạ lẫm, chưa quen biết nhau Tú chỉ hỏi thăm bạn có cần giúp gì không. Thấy bạn làm rơi cái bút, thước kẻ Tú liền nhặt hộ bạn.

Tú luôn có mặt hỗ trợ cậu bạn Hải Đăng

Dần dần hai cậu học trò trở nên thân thiết hơn. Nhờ Tú, Đăng cũng mở lòng không còn thu mình lại. Mỗi buổi đến trường, Tú lại đón bạn ở cổng, cõng vào lớp hay lên các phòng học bộ môn trên tầng cao.

Thương Đăng bị bệnh tật hành hạ, Tú còn sẵn sàng cõng bạn đi vệ sinh hỗ trợ xong xuôi rồi lại đưa về. Đặc biệt, lần nào Tú cũng tế nhị đem theo cả một chiếc ghế nhựa để Đăng có chỗ tựa vào cho khỏi ngã.

Tú đón Đăng từ cổng và cõng vào lớp

Chị Nguyễn Hường, mẹ của Tú kể: “Bình thường Tú rất ít nói nên bố mẹ không hay biết việc con giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, có lần cõng Đăng lên tầng cao, Tú bước hụt bị đau lưng. Về nhà thấy con mặt nhăn nhó, mẹ gặng hỏi thì mới biết chuyện. Khi đó, bố mẹ động viên bởi rất ủng hộ việc làm của con”.

Cũng vì đau lưng mà có vài hôm, Tú phải nhờ bạn khác cõng Đăng thay mình. Nhờ có Tú ở bên hỗ trợ, Đăng cũng tự tin hơn. Tú thu sách vở khi bạn học xong, chép bài hộ khi bạn nghỉ ốm. Có nhiều buổi tan trường thấy mẹ bạn chưa đến đón, dù trời tối, Tú cũng cố nán lại để chờ cùng bạn. Không những vậy, trong các hoạt động tập thể, Tú không để Đăng một mình vì sợ bạn tủi thân.

Đôi chân của Tú trở thành đôi chân của Đăng. Đôi tay của Tú cũng là đôi tay của Đăng. Cứ như vậy, Tú ở bên hỗ trợ bạn suốt những năm cấp 2 rồi cấp 3. Tình bạn đẹp của hai cậu học trò lan tỏa khiến bao ngưỡng mộ.

Hành động của Tú đã viết nên câu chuyện đẹp

Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, giáo viên trường THPT Minh Khai chia sẻ: “Ngày nào cũng chứng kiến 2 bạn cõng nhau vào lớp, ra về sau mỗi buổi học. Lòng mình rất ngưỡng mộ 2 bạn. Chúc các em luôn có những kỷ niệm đẹp và những ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực”.

Chị Xuyến cho biết thêm, cả hai rất ngoan, đều ở lớp chọn của trường với thành tích học tập rất tốt.

Hành động đẹp của Tú đã được ghi nhận bằng danh hiệu “Người tốt việc tốt” do UNBD thành phố Hà Nội, huyện Quốc Oai trao tặng. Tuy nhiên, cậu học trò lại khiêm tốn cho biết: “Việc làm của em rất nhỏ bé nên không phải khen thưởng”.

Không chỉ hỗ trợ bạn, ở nhà Tú cũng rất có ý thức tự giác. Ngoài việc học, cậu học trò thường xuyên giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Vì vậy, vợ chồng chị Hường yên tâm công tác hơn. Đặc biệt, chị Hường sinh sống tại Quốc Oai nhưng hiện đang là giáo viên, giảng dạy tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

“Cả gia đình rất ủng hộ con về những việc làm có ích cho cộng đồng. Chúng tôi còn vui hơn khi con luôn có thái độ khiêm tốn, chân thành”, chị Hường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lam, mẹ của Hoàng Hải Đăng cho biết: "Bệnh tật khiến con ngồi còn không vững nên vợ chồng mình không dám nghĩ đến việc cho con đi học. Thật may mắn khi Đăng có được người bạn như Tú. Mọi sinh hoạt của Đăng ở trường đều được Tú hỗ trợ từ học tập đến đi vệ sinh... nên vợ chồng mình rất yên tâm. Đó cũng là nguồn động lực để cả gia đình mình cùng cố gắng vượt qua khó khăn". 

Nguyễn Dũng- TTTĐ

 



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Lưới" an sinh xã hội ngày càng được củng cố và mở rộng

Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xuc-dong-cau-chuyen-cau-hoc-tro-hon-1400-ngay-cong-ban-den-lop-189995.html