Xứng danh con cháu Bác Hồ

26/03/2023 14:48

Kinhte&Xahoi Trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alexeevich Ostrovsky, có một câu nói rất hay. Nó đã trở thành lẽ sống cho biết bao thế hệ thanh niên: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.

Nuôi em và số hóa phục vụ nhân dân

Trung úy Dương Hải Anh ( 26 tuổi), Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La, Chủ nhiệm dự án “Nuôi em Mộc Châu” và “Hạnh phúc cho em”. Hiện dự án “Nuôi em Mộc Châu” (do Trung úy Dương Hải Anh khởi xướng từ đầu năm 2021) đang hỗ trợ cơm trưa cho 4.000 học sinh mầm non tại 75 điểm trường của 3 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên (tỉnh Sơn La). Dự án “Hạnh phúc cho em” đã tiến hành xây dựng 14 điểm trường và ba ngôi nhà cho những đứa trẻ nghèo ở miền biên viễn có được mái ấm khang trang.

Trung úy Dương Hải Anh đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2022); giải thưởng Thanh niên Sống đẹp năm 2022; giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021. Mới đây nhất, anh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 lĩnh vực Hoạt động xã hội.

Hải Anh cho biết, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2019, anh được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Những chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa, Hải Anh luôn ám ảnh trước những đứa trẻ mầm non đi bộ tới trường với những hộp cơm trắng chỉ có muối, măng rừng. Hải Anh quyết định thực hiện dự án “Nuôi em Mộc Châu”, nhằm cung cấp suất cơm trưa miễn phí cho các em mầm non trong một năm học (9 tháng).

Từ 54 em nhỏ ban đầu tại Trường Mầm non Phiêng Cài, Lóng Sập, dự án “Nuôi em Mộc Châu” nhanh chóng tạo được sự lan tỏa, chung tay của cộng đồng. Đặc biệt, tại các điểm trường đều có phụ huynh luân phiên nhau đến hỗ trợ nấu cơm trưa cho học sinh.

Từ tỷ lệ đến lớp chỉ được 45%, đến nay dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã hỗ trợ ăn trưa đầy đủ nên tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%.

Tỉnh Sơn La hiện có 25.000 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hải Anh mong muốn có đủ nguồn lực để cung cấp cơm trưa tới tất cả các em nhỏ.

Trung úy Dương Hải Anh (Nguồn ảnh: Chương trình Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu).

Đầu năm 2022, Trung úy Dương Hải Anh được điều động về công tác tại phòng công tác đảng, công tác chính trị (Công an tỉnh Sơn La). Trung úy Dương Hải Anh đã cùng với Ban Thường vụ Đoàn Công an tỉnh tiên phong đảm nhận nhiều dự án số hoá.

Sơn La là tỉnh vùng cao, biên giới có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh thuộc khu vực Tây Bắc. Thời gian qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp. Hải Anh đã nghiên cứu và cho ra mắt cuốn Cẩm nang phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên nền tảng số đầu tiên trên cả nước. Đến nay đã có hơn 1 triệu lượt tiếp cận cẩm nang.

Đồng thời, Hải Anh đã xây dựng thành công “Chuyên trang Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ”. Chuyên trang có nhiều tính năng ưu việt, giúp nhân dân dễ hiểu, triển khai các tiện ích của định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Trung úy người Mông và những chuyên án lớn

Mồ côi bố từ bé, Trung úy Thào A Khư (31 tuổi, Đội Kinh tế - Ma túy Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của mẹ.

Thào A Khư là con thứ sáu trong số 8 người con của mẹ Giàng Thị Lìa, ở bản người Mông tại xã biên giới Mường Ngói - Điện Biên. Kí ức đẹp nhất tuổi thơ của A Khư là ngày Tết được ăn cơm trắng không phải độn ngô, độn sắn, là tiếng mẹ Lìa hát ru em bên thềm, là lúc bố dắt tay A Khư đến lớp mẫu giáo xin học chữ…

Năm A Khư lên lớp 1, bố chẳng dắt tay đi học nữa vì mẹ Lìa bảo “bệnh ung thư bắt bố đi rồi”. Sau ngày ấy, mẹ không hát nữa mà địu em rồi dắt các anh lên rẫy. Riêng A Khư được đặc cách ở nhà đi học.

Năm lớp 12, thấy nhiều bạn bè, người thân tan nát vì ma túy, lún sâu trong đói nghèo, A Khư ước mơ trở thành công an. Tốt nghiệp THPT, anh trúng tuyển nghĩa vụ công an nhân dân, rồi được xét duyệt biên chế, được cử đi học Trung cấp Cảnh sát Vũ trang (T45). Giấc mơ của chàng trai người Mông thành sự thật… Năm 2020, A Khư về Đội Kinh tế - Ma túy Công an huyện Điện Biên công tác.

Trung úy Thào A Khư đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Mới đây, anh có mặt trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, chàng Trung úy người Mông chỉ mong đem giải thưởng về tặng mẹ Lìa, tặng người vợ yêu.

Vào đội chưa tròn 2 ngày, A Khư tham gia trận vây bắt tội phạm ma túy đầu tiên, rồi tiếp các chiến công thứ hai, thứ ba… Có lần về phép thăm mẹ với gương mặt trầy xước trong lúc giằng co với đối tượng, mẹ ôm A Khư vào lòng, rơi nước mắt. Rồi anh lại cùng đồng đội lao vào những chuyên án.

Ngày đứa con đầu lòng bỏ anh chị đi, anh cũng chẳng thể ở bên an ủi. “Em ở nhà đi đứng, cửa nẻo phải luôn cẩn thận. Đừng gọi cho anh, có việc anh sẽ chủ động liên lạc. Em thấy tin nhắn hay cuộc gọi từ số lạ thì đừng bắt máy. Ai hỏi về anh cứ nói là không biết…” - đó là những câu nói mà chị D. nghe đến thuộc lòng mỗi bận chồng về nhắc lại.

Trung úy A Khư cùng đồng đội liên tục phá thành công chuyên án điểm, thu giữ số lượng lớn ma túy. Tiêu biểu là Chuyên án 120L năm 2022, A Khư và đồng đội đã đấu tranh, thu tang vật 99 bánh heroin (34,65kg). Để triệt phá chuyên án, cả đội phải “nằm gai nếm mật” hàng tháng trời ở rừng cao su của nước bạn Lào.

A Khư cũng trực tiếp tham mưu triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, bắt giữ và dẫn giải nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn khi mặc chiếc áo xanh Bộ đội Cụ Hồ

Thượng úy Lê Hảo (SN 1994, ở Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh) trong một gia đình có truyền thống cách mạng đặc biệt. Ông nội Hảo là liệt sĩ Lê Văn Minh, hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Cả bên nội và bên ngoại của Hảo có đến 11 người là liệt sĩ. Bà cố nội (cụ nội) và bà cố ngoại (cụ ngoại) của Hảo đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thượng úy Lê Hảo (Nguồn ảnh: Chương trình Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu).

Khi đang học năm thứ 3 tại Trường Đại học Nông lâm TP HCM, Hảo chợt nhận ra “cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn khi mặc chiếc áo xanh của anh Bộ đội Cụ Hồ”. Anh quyết định bỏ ngang, thi đậu vào Trường Sĩ quan Chính trị với vị trí á khoa.

Năm 2020, Lê Hảo tốt nghiệp thủ khoa Trường Sĩ quan Chính trị. “Mặc dù tốt nghiệp thủ khoa, nhưng tôi sẵn sàng đi đến đâu quân đội cần, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là phục vụ tốt cho đất nước”, Hảo chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, Thượng úy Lê Hảo đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, T.Ư Đoàn, Thành ủy TP HCM… Năm 2021, Thượng úy Lê Hảo được trao danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh”.

Năm 2022, anh được tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân”. Những ngày này, anh vinh dự đứng trong Lễ khen thưởng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, giải thưởng 26.3 của T.Ư Đoàn.

Lê Hảo được phân công về Trung đoàn Gia Định, một đơn vị truyền thống bậc nhất của Bộ Tư lệnh TP HCM, đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP HCM. Lê Hảo cùng đồng đội tham gia vào tổ công tác đặc biệt giúp dân chống đại dịch thế kỷ.

Anh đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia khâm liệm, mai táng những nạn nhân không may qua đời vì dịch COVID-19 tại nghĩa trang chính sách Củ Chi.

“Không chỉ riêng tôi mà mọi cán bộ, chiến sĩ khi xung phong tham gia vào Tổ công tác đặc biệt, làm nhiệm vụ khâm liệm, mai táng nạn nhân đã mất vì COVID-19 đều có điểm chung đó là xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ” - Lê Hảo bày tỏ..

Anh đã bám trụ tại tâm dịch từ ngày đại dịch bùng phát cho tới khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Cùng với đó, Thượng úy Lê Hảo là tác giả của mô hình “Chi đoàn 3 xung kích” trong quân đội. Đây là mô hình chưa nơi nào làm. Hiện mô hình Chi đoàn 3 xung kích được ghi nhận, áp dụng ở nhiều nơi tại Quân khu 7.

Theo Thượng úy Hảo, việc sáng tạo và tổ chức thành công mô hình Thư viện điện tử trong quân đội có ý nghĩa rất lớn với quân nhân. Đây là nơi bộ đội có thể học tập, trao đổi kiến thức, tận dụng tối đa thời gian và lợi thế của internet để hoàn thiện bản thân.

Mới đây, Thượng úy Hảo đã xây dựng thành công mô hình đấu tranh trên không gian mạng, thông qua việc sử dụng công nghệ đa phương tiện, khai thác tối đa các phương tiện: Đọc, viết, nghe, nhìn… giúp các bạn trẻ trong quân ngũ tham gia bảo vệ an toàn không gian mạng, tránh những luận điệu xuyên tạc lịch sử.

“Cống hiến, phục vụ Tổ quốc và nhân dân bằng tất cả trái tim người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ” chính là khát vọng và lý tưởng mà tôi luôn hướng đến. “Từ nhỏ, tôi đã được lớn lên bằng những câu chuyện của bà. Bà đã kể cho tôi nghe về những mất mát, đau thương và tinh thần đấu tranh quật khởi của bà con, xóm làng thời chiến.

Đặc biệt hơn, ông nội tôi, một liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 là người đã cho tôi nhiều động lực nhất để đi theo con đường quân đội. Khi lớn lên, tôi khao khát được tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, tha thiết khoác lên mình màu áo xanh bộ đội để cống hiến sức mình và bảo vệ quê hương, đất nước.

May mắn thay, tôi nhận được sự cổ vũ, động viên của bà nội và ba mẹ để tiếp bước thực hiện ước mơ này”, Thượng úy Lê Hảo cho biết...

Miên Thảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/xung-danh-con-chau-bac-ho-d191709.html