Một bãi rác ở Manila, Philippines.
Valenzuela, nằm ở ngoại ô thủ đô Manila, được mệnh danh là “thành phố rác thải nhựa” của Philippines. Trong những con ngõ dột nát ở đây là những ngôi nhà nhỏ bị kìm kẹp giữa các nhà máy lớn đang liên tục xả khói. Cuộc sống của người dân còn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi hám xuất phát từ nhà máy tái chế rác STC Enterprises mà họ cáo buộc là nguyên nhân khiến nhiều người bị ho kéo dài, dù chủ nhà máy bác bỏ.
Valenzuela chỉ là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng ùn ứ rác mà nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt khi bị biến thành bãi rác thải nhựa của thế giới. Hồi tháng 5/2019, Philippines đã trả lại 1.500 tấn rác cho Canada sau khi phát hiện hàng chục container được dán nhãn “rác tái chế” thực chất rác hỗn hợp, gồm cả giấy loại, rác thải nhà bếp và tã bỉm.
Vấn đề này cũng xảy ra với số rác thải mà Philippines tiếp nhận từ Hàn Quốc, Australia và Hong Kong, khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu rác hoàn toàn.
Tàu hàng Anna Maersk chở khoảng 69 container rác hôm 29/6 đã cập cảng Roberts Bank ở ngoại ô thành phố Vancouver, Canada, sau hành trình vượt biển từ Philippines. Giới chức địa phương cho hay số rác sẽ được chuyển đến một cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng để đốt, nhưng không rõ thời gian và có thể cơ sở này không tiếp nhận rác vào cuối tuần.
Các container rác từng gây ra cuộc tranh cãi giữa Manila và Ottawa sau khi Canada không đáp ứng được thời hạn nhận lại rác hôm 15/5, khiến Tổng thống Rodrigo Duterte dọa rút các nhà ngoại giao hàng đầu khỏi quốc gia Bắc Mỹ.
Người ủng hộ, người phản đối
Đó là ở tầm vĩ mô, còn ở tầm vi mô, như tại làng Cunumay West ở Valenzuela, rác thải từ nước ngoài ảnh hưởng đến đời sống của từng cá nhân. Cơ quan môi trường đô thị cho hay họ thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra sau khi được người dân phản ánh về mùi hôi xuất phát từ việc đốt rác thải nhựa.
“Chúng tôi phải kiểm tra xem liệu họ có tuân thủ các quy định về môi trường và sử dụng các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí hay không”, ông Rommel Pondevida, trưởng phòng tài nguyên và môi trường thành phố, cho biết.
Một phần lớn rác thải nhựa được tái chế ở các nhà máy tại Valenzuela có nguồn gốc từ nước ngoài, dù giới chức địa phương, trong đó có thị trưởng Rex Gatchalian gần đây mới thừa nhận điều này. “Tôi nghĩ chúng tôi có đủ rác thải trong nước để xử lý, tái sử dụng và tái chế. Chúng tôi không cần rác thải từ bên ngoài”, ông Gatchalian nói.
Số liệu của hải quan năm 2018 cho thấy Philippines đã nhập khẩu hơn 3 triệu kg rác thải nhựa tái chế chỉ riêng từ Mỹ. Rác tái chế ở các vùng công nghiệp như Valenzuela thường lẫn với rác thải chưa qua xử lý ở địa phương.
Trẻ em chơi với đồ đồng nát bên ngoài một cơ sở phân loại.
Trong khi người dân địa phương than phiền về chất lượng không khí, ngành công nghiệp nhựa ở Valenzuela cho hay cuộc tranh cãi về rác thải nhập khẩu, nhất là căng thẳng ngoại giao với Canada, đang đe dọa đến hoạt động kinh doanh của họ, thậm chí với cả các nhà tái chế hợp pháp.
“Chúng tôi đang làm những điều có ích cho môi trường mà? Chúng tôi hiểu rằng có nhiều vấn đề nhưng không ai nhắc đến tác động tích cực mà chúng tôi đang đóng góp cho xã hội cả”, Sherwin Koa, quản lý của công ty Citipoly Industries, nói.
Koa lo ngại đề xuất lệnh cấm hoàn toàn tất cả các loại vật liệu nhựa tái chế sẽ khiến nhiều cơ sở tái chế rác thải phải đóng cửa. “Nếu chúng tôi không thể duy trì hoạt động thì chúng tôi cũng không thể xử lý được các vật liệu ở địa phương”, Koa nói.
Thị trưởng Gatchalian tự hào rằng thành phố Valenzuela đang đóng vai trò lớn trong việc tái chế rác thải nhựa của Philippines và cho hay vấn đề nằm ở một số nhà tái chế “thiếu đạo đức”. “Nếu vấn đề vẫn tồn tại, các công ty sẽ bị đóng cửa”, ông nói.
Vẫn tranh cãi
Thế nhưng hai tháng sau khi các quan chức môi trường thị sát Cunumay West, người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi hám. “Mùi hôi thật kinh khủng”, Benjamin Lopez, 50 tuổi, nói. “Có lần tôi bị đánh thức vào lúc 2h sáng. Tôi phải xịt nước hoa trong phòng. Mọi người thì phải thoa dầu dưới mũi”.
Người dân tin rằng mùi hôi thối là nguyên nhân khiến bé Shantal Marcaida, 5 tuổi, bị viêm phổi và phải nhập viện. Hôm 1/7, trưởng làng Mario San Andres đã ra điều kiện cho chủ của STC Enterprises phải dọn sạch rác trong vòng hai tuần, nếu không sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, trong cuộc họp với người dân và giới chức thành phố, chủ của công ty này là Wilson Uy cho rằng STC không chịu trách nhiệm hoàn toàn về mùi hôi và người dân vẫn tiếp tục phản ánh kể cả khi ông đã tạm dừng hoạt động.
Shantal, 5 tuổi, đã được chẩn đoán viêm phổi ba lần, và người thân của bé cho rằng do không khí ô nhiễm
Ông Uy phủ nhận việc tái chế rác thải nhựa khiến người dân mắc bệnh và cho hay công ty chỉ dùng nhựa địa phương. “Chúng tôi cũng sống ở đây. Chúng tôi cũng quý trọng cuộc sống của mình. Nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ không thể sống ở đây nữa”, ông nói.
Không có cách gì để người dân thoát khỏi mùi hôi ở “thành phố rác thải nhựa”. Thị trưởng Gatchalian cho rằng giải pháp lâu dài là chuyển các nhà máy ra khỏi khu dân cư, nhưng trưởng làng San Andres muốn hành động ngay bây giờ. “Chúng ta phải giải quyết những mối lo lắng này. Tôi cũng muốn người dân được hưởng cuộc sống lâu dài”.
Cơ quan hải quan Đông Java của Indonesia mới đây cũng cho biết họ sẽ trả lại hơn 210 tấn rác thải cho Australia. “Điều này được thực hiện để bảo vệ cộng đồng và môi trường Indonesia khỏi rác thải B3”, thông báo của cơ quan này cho hay, đề cập đến các loại chất liệu độc hại và nguy hiểm.
Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia phát hiện 8 container rác thải bị tịch thu ở thành phố Surabaya được dán nhãn chứa giấy vụn sạch nhưng chỉ toàn vật liệu độc hại và rác thải gia đình như chai nhựa, bao bì, tã lót đã sử dụng, chất thải điện tử và vỏ lon. Số container này được công ty Oceanic Multitrading của Australia chuyển đến Indonesia với sự hỗ trợ từ một công ty sở tại.
Một lượng rác thải nhựa khổng lồ được chuyển đến Indonesia kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu loại rác này vào năm 2018. Việc các nước phát triển đưa rác thải nhựa tới một số quốc gia đang phát triển ở châu Á đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng.
Indonesia trước đó cũng thông báo sẽ gửi trả 49 container rác cho Pháp và các nước phát triển. Hồi tháng 5/2019, Malaysia thông báo đã trả 450 tấn rác thải nhựa cho các nước Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi và Mỹ.
Mối quan tâm toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng lên sau hình ảnh về những dòng sông bị tắc nghẽn bởi rác ở Đông Nam Á và những sinh vật biển chết với hàng kg rác thải trong dạ dày. Theo Quỹ Tự nhiên Toàn cầu (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm với phần lớn kết thúc ở các bãi rác hoặc gây ô nhiễm biển. |