Xung quanh đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu: Vì sao nhiều doanh nghiệp không lên tiếng?

21/08/2019 15:52

Kinhte&Xahoi 'Tôi không có cảm xúc gì vì đã kiến nghị quá nhiều lần nhưng các nhà quản lý vẫn quyết định dùng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) như một công cụ điều tiết thị trường. Thậm chí, trong nhiều cuộc họp, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều đã trình bày sự cần thiết phải bỏ nhưng quỹ này vẫn được sử dụng…', một doanh nghiệp chia sẻ với PLVN xung quanh đề xuất nói trên.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên dùng Quỹ BOG để “kìm kẹp” thị trường xăng dầu

Thị trường xăng dầu cần minh bạch, lành mạnh

Tuần trước, báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc sử dụng Quỹ BOG hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng nhiều chiều từ người dân, doanh nghiệp và một số chuyên gia, hiệp hội về công tác điều hành giá và việc trích, chi Quỹ này. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị cần bỏ ngay Quỹ BOG hoặc phải có lộ trình để tiến tới loại bỏ.

Cơ sở đưa ra đề nghị này là, qua giám sát cho thấy, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích bình thường là 300 đồng/lít) thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Do đó, các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng quỹ bình ổn trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn tới việc doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Điển hình như PV Oil, một trong hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn âm Quỹ BOG hơn 400 tỷ đồng cho đến trước kỳ điều chỉnh lần đầu tiên của tháng 8/2019.

Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị bỏ Quỹ BOG để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG thì tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường.

Nhiều chuyên gia về quản lý kinh tế cũng cho rằng, loại bỏ Quỹ BOG là đúng đắn để xăng dầu thực sự có thị trường theo đúng nghĩa và lên xuống theo giá thế giới. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các nhà điều hành cách nào để người dân có thể thấy được sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu, chứ không phải kiểu “xăng dầu đồng giá” như hiện nay.
 
Doanh nghiệp không muốn lên tiếng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hết năm 2018, số dư Quỹ BOG là hơn 3.504 tỷ đồng nhưng chỉ sau quý I/2019, số dư Quỹ BOG đã chuyển thành âm với con số âm hơn 620 tỷ đồng; Trong quý II/2019, tổng số trích Quỹ BOG được hơn 1.826 tỷ đồng nhưng số chi quỹ cũng không kém, lên đến hơn 1.700 tỷ đồng. Do đó, hết quý II/2019, quỹ BOG vẫn âm gần 500 tỷ đồng.

Ngay từ quý I/2019, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lên tiếng về việc chi sử dụng Quỹ BOG không hợp lý, khiến thị trường xăng dầu méo mó, nguồn cung nhỏ giọt vì càng bán càng lỗ khiến cho doanh nghiệp phải hạ sản lượng bán ra. Thậm chí, có thời điểm, khách hàng không mua được xăng Ron 95 vì thiếu nguồn cung.

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng khiến cho đại diện Bộ Công Thương phải đăng đàn tuyên bố, đại ý là doanh nghiệp đã lãi nhiều rồi, cần phải chia sẻ với cơ quan quản lý cũng như người dân và chấp nhận âm quỹ trong vài tháng. Đồng thời, với những phân tích cần “ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và điều tiết thị trường”, trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương vẫn khẳng định “không bỏ được Quỹ BOG”.

Tuy nhiên, tuần trước, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị “cần bỏ” hoặc “cần có lộ trình bỏ” Quỹ BOG. Những tưởng doanh nghiệp sẽ vui lắm với ý kiến này vì họ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quá trình sử dụng Quỹ BOG để điều hành thị trường. Nhưng một số doanh nghiệp trao đổi ý kiến với PLVN thì tỏ ra không mấy quan tâm.

“Tôi không có cảm xúc gì vì đã lên tiếng, kiến nghị quá nhiều lần nhưng các nhà quản lý vẫn quyết định dùng Quỹ BOG như một công cụ điều tiết thị trường. Những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua, các nhà quản lý đều biết hết. Thậm chí, trong nhiều cuộc họp, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - cả Nhà nước lẫn tư nhân đều đã trình bày sự cần thiết phải bỏ Quỹ BOG nhưng quỹ này vẫn được sử dụng, thậm chí sử dụng mạnh nên bây giờ cơ quan quản lý quyết thế nào thì chúng tôi chịu thế đấy thôi”, đại diện một doanh nghiệp nói với PLVN.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được

Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Thế nhưng hiện nay, chúng ta đang thiếu các dịch vụ chăm sóc điều trị khúc xạ chất lượng. Nguyên nhân được xác định do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ.

Nguồn: Pháp luật Plus