Ý thức công dân - đừng hiểu là cụm từ chỉ để… khoe mẽ!

13/12/2020 17:29

Kinhte&Xahoi Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có lẽ cùng với những từ khóa khác thì “ý thức công dân” được tìm kiếm và sử dụng khá nhiều. Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và cả trong những câu chuyện khi trà dư tửu hậu, ai ai cũng bàn về ý thức công dân nên thế này, thế kia.

Ý thức người dân đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.

Nói là vậy, nhưng từ nói đến làm với nhiều người vẫn là khoảng cách khá xa khi Việt Nam đã hơn một lần rúng động vì dịch bệnh phát sinh đến từ câu chuyện ý thức công dân. Hay nói cách khác, ý thức công dân xin đừng là cụm từ chỉ để mỗi người khoe mẽ, đánh bóng bản thân mình!

Ý thức và không ý thức

Tính đến ngày 29/11/2020, sau gần 90 ngày cả nước không có ca nhiễm mới ở cộng đồng thì lần thứ 3 Covid-19 lại trở lại với trường hợp mắc mới là nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân số 1342) đã khiến dư luận cả nước lo lắng, bất an.

Điều đáng nói nhất ở đây chính là sự chủ quan, thiếu ý thức của bệnh nhân này. Một người thường xuyên làm việc trên các chuyến bay quốc tế, chắc biết rõ về sự lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh ở các nước trên thế giới. Song, bệnh nhân 1342 lại xem nhẹ sự an toàn của cộng đồng vi phạm nghiêm trọng về quy định cách ly.

Cụ thể, quá trình cách ly tập trung, bệnh nhân 1342 đã tiếp xúc và bị lây nhiễm từ bệnh nhân 1325. Đây là trường hợp đầu tiên lây trong khu cách ly. Chưa dừng lại ở đó, khi thực hiện cách ly tại nhà, mặc dù đã có những quy định rõ ràng của cơ quan y tế, trong đó người cách ly tại nhà/nơi lưu trú cần phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... nhưng nam tiếp viên này đã không tuân thủ, tiếp xúc với mẹ, bạn trai, bạn gái, cho người khác đến ở cùng, thậm chí rời nhà đi ra phố và đến một số địa điểm để dịch lây lan, khó kiểm soát. 

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 2/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng khi cách ly tập trung cũng như tại nhà và trở thành nguồn lây bệnh ra cộng đồng”. 

Câu chuyện này, hình ảnh này cũng với một số các ví dụ khác nữa như một quán bar ở phố cổ mở cửa tới 1 giờ sáng bất chấp lệnh cấm của thành phố buộc chính quyền phải ra quyết định phạt hành chính; một người đàn ông ở cùng chung cư với bệnh nhân Covid-19 đã bỏ trốn khi lực lượng chức năng cách ly chung cư; một số người “tự hào” khoe trên mạng xã hội thành tích trốn khai báo y tế của mình… là sự đối nghịch với những hành động đầy ý thức trách nhiệm của nhiều người trong xã hội như quyết định hoãn đám cưới để tránh tụ tập đông người, tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… 

Còn nhớ, tháng 8/2020, đang thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến rất phức tạp, một đám cưới ở huyện Krông Pắc tỉnh Ðắk Lắk đã có “sáng kiến” đặc biệt là lần lượt, hàng xóm láng giềng quanh đó đã tự bê bàn cỗ về nhà, đặt giữa sân nhà mình để ăn thay vì tụ tập đông người tại đám cưới. Sau bữa ăn, cô dâu - chú rể đi một vòng quanh các nhà để cảm ơn và nhận lời chúc mừng của mọi người.

Trên mạng xã hội, những bức ảnh của đám cưới này nhanh chóng nhận được sự quan tâm ủng hộ từ cộng đồng mạng, với những nụ cười cảm thông và chia sẻ, coi đây là biểu hiện rõ ràng của ý thức trách nhiệm công dân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ý thức công dân là chất keo kết dính để tạo dựng xã hội

Vấn đề ý thức công dân được đề cập dưới nhiều góc nhìn khác nhau, ở từng lĩnh vực cụ thể, song thể hiện cơ bản, rõ nét nhất là trong chính trị, pháp luật, đạo đức. Ở góc độ đạo đức, ý thức công dân là đạo đức của mỗi cá nhân vượt lên trên trách nhiệm luật pháp, hình thành sự điều chỉnh hành vi trong cộng đồng xã hội.

Mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động đều tự điều chỉnh bản thân theo hướng hoạt động có trách nhiệm và phù hợp với các lợi ích của xã hội. Ngược lại, xã hội cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đáp ứng các quyền lợi của cá nhân. Ý thức trách nhiệm lẫn nhau, về nhau chính là chất keo kết dính các công dân để tạo dựng xã hội đoàn kết, thân ái, tiến bộ, văn minh.

Ở góc độ pháp luật, ý thức công dân giúp việc thực thi, tuân thủ pháp luật mang tính tự giác. Pháp luật có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức thực thi và tuân thủ của công dân. Ý thức công dân gắn liền với việc thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần xây dựng nhân cách công dân, ngăn chặn suy thoái về lý tưởng, đạo đức của một bộ phận công dân…

Với vai trò của mình, pháp luật thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức công dân, ý thức đạo đức, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. 

Quay lại với câu chuyện của nam tiếp viên hàng không là bệnh nhân số 1342, ngày 3/12, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM, chủ trì họp báo công bố khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 BLHS 2015. Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự. Cơ quan điều tra xác định hành vi lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác đã gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy phải xử lý bằng chế tài nghiêm khắc.

Từ đây, một câu hỏi đặt ra là tại sao nam tiếp viên hàng không bệnh nhân số 1342 vi phạm cách ly làm lây dịch Covid-19bị khởi tố còn vụ bệnh nhân số 17 trước đây thì không?

Trao đổi với truyền thông, Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng ban Luật Hình sự Công ty Luật TAT Law firm đã chỉ ra điểm khác biệt lớn nhất trong 2 vụ việc này. Đó là thời điểm ra đời của Văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, vào ngày 30/3/2020 (tức sau thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nhân số 17) thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Văn bản số 45. Trong đó, hướng dẫn cụ thể xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm C, Khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”. 

 Ngoài hình sự, bệnh nhân 1342 còn có thể phải đối diện bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…”.

Do đó, người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus thuộc đối tượng phải cách ly nhưng không tuân thủ quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác làm lây lan dịch bệnh thì hành vi đó bị xem là hành vi trái pháp luật và nếu gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Những người bị thiệt hại có thể kể đến như: người tiếp xúc bị buộc phải cách ly hoặc bị lây nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng... Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

 

Hồng Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/y-thuc-cong-dan--dung-hieu-la-cum-tu-chi-de-khoe-me-d143263.html