Ðẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp tư nhân

13/08/2020 15:46

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, đặc biệt đối với DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh tư liệu

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 DN do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện cho thấy, gần 74% số DN cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, việc một DN tồn tại qua đại dịch có thể coi là một kỳ tích và duy trì cuộc sống cho hàng ngàn người lao động chính là một phần trách nhiệm xã hội của DN.

Vượt lên những khó khăn nội tại, tinh thần vì cộng đồng của các DN tư nhân Việt Nam đã thực sự lan tỏa bằng những hành động thiết thực nhất. Sự tham gia của khu vực tư nhân đã chạm tới những lĩnh vực mà trước đây chỉ có DN Nhà nước mới dám đảm nhận như quản lý sân bay, sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao.

Theo các chuyên gia, nếu như việc cáng đáng nhiệm vụ an sinh - xã hội trước nay vốn là một phần lý do được các DN nhà nước đổ lỗi khi kinh doanh thua lỗ và nhằm chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách thì với nhiều DN tư nhân việc thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên như điều nên làm. Với tinh thần đó, những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đã, đang và chắc chắc sẽ là nguồn lực vô cùng quan trọng cho đất nước trong cuộc chiến trường kỳ với Covid-19.

Và để đồng hành cùng với các DN tư nhân, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 98/NQ-CP và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, DN vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí cho DN. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP….; ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật này. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 của Chính phủ về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.


Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đối tác công - tư, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP; tái cơ cấu DN khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn (đặc biệt là vấn đề dịch bệnh Covid-19 vừa qua) theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, đặc biệt đối với DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu và các DN công nghiệp chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài... Tăng cường triển khai Chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các DN, đặc biệt là cơ chế tham gia ý kiến của các DN tư nhân đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ, phát triển DN, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động xem xét, bố trí vốn cho việc triển khai hoạt động, chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được phê duyệt trong năm 2020 và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trong đó tập trung phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu; tăng cường năng lực xuất khẩu hàng hóa Việt vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và mở rộng tìm kiếm các thị trường khác: Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh… Khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo; phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia; hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương về khoa học và công nghệ; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài…

 Nguyễn Đăng - Theo PLXH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều cơ hội việc làm tại thị trường uy tín

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tình trạng này từng bước được khắc phục khi mới đây, một số thị trường lao động uy tín như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những chương trình, hoạt động tuyển dụng lao động Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho người lao động trên địa bàn Hà Nội đi làm việc tại những thị trường uy tín.

Thêm hỗ trợ vượt qua ''bão'' dịch

Hàng trăm cửa hàng đóng cửa, kèm theo nhiều thông báo cho thuê nhà, sang nhượng cửa hàng. Đó là thực tế tại các khu vực kinh doanh buôn bán sầm uất, các tuyến phố chính trên địa bàn Hà Nội. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã và đang tìm giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh, chủ sử dụng lao động... vượt qua "cơn bão" dịch Covid-19, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến kinh tế của Hà Nội.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/ay-manh-tai-co-cau-doanh-nghiep-tu-nhan-205534.html