10 tấn thanh long ruột đỏ Sơn La chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nga

24/07/2020 17:44

Kinhte&Xahoi 10 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Nga. Nơi đây hiện có 26ha thanh long ruột đỏ cho thu hoạch, tổng sản lượng dự kiến trong năm 2020 đạt trên 200 tấn.

 Vận chuyển quả thanh long ruột đỏ lên container để xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ngày 23/7, tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La diễn ra lễ xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Liên bang Nga.

Điều này đã cho thấy chủ trương đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu của tỉnh Sơn La đã phát huy hiệu quả. Trước đó, huyện Thuận Châu cũng đã xuất khẩu 2 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga theo đường chính ngạch thông qua HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn) và Công ty TNHH Thực phẩm hữu cơ Hà Nội.

Từ năm 2010, cây thanh long ruột đỏ chính thức được đưa vào trồng thử nghiệm tại tỉnh Sơn La. Đến nay, sau 10 năm bén rễ, trên 100 ha thanh long ruột đỏ đã cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây.

Thuận Châu là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La đi đầu trong thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả chất lượng cao

Mới bén rễ với vùng đất Thuận Châu từ năm 2018, nhưng cây thanh long ruột đỏ cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây và trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, biến đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế những diện tích trồng ngô, trồng sắn kém hiệu quả..

Thanh long ở đây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Theo kinh nghiệm của những người dân trồng thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu, để trồng cây thanh long ruột đỏ cần sử dụng trụ bê tông cao từ 1,8 - 2 m, cạnh vuông 12 cm, trụ được chôn sâu 40 - 60 cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,4 m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh; khoảng cách giữa các trụ từ 2,5 m - 3 m.

Sau khi thu hoạch sẽ thực hiện cắt bỏ những cành già không còn khả năng mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ để 1 - 3 quả để quả to và bảo đảm chất lượng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, một năm bón từ 3 - 4 lần; có thể tận dụng rơm, rạ phủ lên phần gốc để giữ ẩm cho cây sau khi trồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định, trọng lượng mỗi quả thanh long từ 0,3 - 0,5 kg. Nếu muốn có thể áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm để kích thích hoa nở, quả nhanh chín, giúp tăng năng suất, chất lượng.

Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng tỉnh Sơn La đã chuyển hướng thị trường, coi thị trường trong nước là chủ đạo trong tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh thương mại điện tử để kết nối với các đối tác để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết việc xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Nga sẽ tác động tích cực đến quá trình sản xuất nông trong tỉnh.

Dự kiến trong những năm tới, tỉnh Sơn La sẽ có trên 500 ha trồng thanh long. Từ việc nông sản tiêu thụ được ở những thị trường khó tính như thị trường Nga sẽ có tác động thúc đẩy đến thị trường trong nước và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp tỉnh Sơn La.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung cao để chỉ đạo tiêu thụ 100% sản phẩm quả của toàn tỉnh, dự kiến khoảng 350.000 tấn quả các loại. Để thực hiện việc này, tỉnh Sơn La tiếp tục kết nối tiêu thụ với thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ các nhà máy chế biến quả đang xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, có các giải pháp để sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm phù hợp như sấy khô, đông lạnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến các sản phẩm nông sản thông qua thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy huyện Thuận Châu, cho biết trong giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ phát triển chuỗi thanh long ruột đỏ lên 150-200ha.

Huyện xác định xuất khẩu là định hướng chính, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, huyện Thuận Châu sẽ xây dựng hệ thống mã số vùng trồng và thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.

Cùng với đó, huyện Thuận Châu sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham dự chuỗi các sự kiện như hội chợ, tuần hàng, lễ hội quả của tỉnh Sơn La và các tỉnh khác trong cả nước để giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng.

Thu Hà - Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nới lỏng tiêu chí thi người đẹp: Lo ngại thả gà ra đuổi

Loạt thay đổi trong dự thảo nghị định nghệ thuật biểu diễn nhìn qua tưởng chừng cởi mở hơn. Tuy thế, chủ trương nới lỏng tiêu chí thi người đẹp, người mẫu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khiến nhiều người nghi ngại.

Link bài gốc http://vietq.vn/10-tan-thanh-long-ruot-do-son-la-tiep-tuc-sang-thi-truong-nga-d176586.html