9/15 bệnh nhân mới mắc Covid-19 trên 60 tuổi, nguy cơ với người già

10/03/2020 10:12

Kinhte&Xahoi Trong số 15 bệnh nhân mới mắc Covid-19 ở Việt Nam có đến 9 người từ 60-74 tuổi (7 người nước ngoài, 2 người Việt), 3 người nước ngoài từ 50-58 tuổi và chỉ có 3 người Việt đều 27 tuổi. Điều này khiến nhiều người lo ngại khi tỷ lệ người cao tuổi mắc Covid-19 khá cao.

80% ca mắc là người cao tuổi

Tổng quan về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) của WHO ngày 28/2 cho biết, trong tổng số gần 56.000 ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc, diễn biến lâm sàng điểm hình có đến 80% là ca bệnh nhẹ, hồi phục sau 7 ngày khởi phát.

Cụ thể, đại đa số các trường hợp nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng. Số không có triệu chứng là rất hiếm. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm Covid là sốt (87,9%), ho khan (67,7%), mệt mỏi (38,1%), ho có đờm (33,4%), thở gấp (18,6%), đau họng (13,9%), đau đầu (13,6%), đau cơ hoặc đau khớp (14,8%), ớn lạnh (11,4%), nôn hoặc buồn nôn (5,0%), ngạt mũi (4,8%), tiêu chảy (3,7%), ho ra máu (0,9%).

Người cao tuổi khi mắc Covid-19 bệnh dễ trở nặng. Ảnh minh họa

Khoảng 80% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính chỉ có triệu chứng nhẹ và vừa, có viêm phổi hoặc không viêm phổi, và khỏi bệnh. 20% ca bệnh còn lại có 13,8% có biểu hiện bệnh nặng và 6,1% ở tình trạng nguy kịch.

Về lứa tuổi mắc Covid-19, nhóm người cao tuổi (từ 60-99 tuổi) chiếm tỷ lệ hơn hơn 31%; nhóm từ 50-59 tuổi chiếm 22,4%; nhóm từ 20-39 tuổi là 17%; nhóm 40-59 chiếm 19,2%; nhóm trẻ em thiếu niên 9-10-19 tuổi chiếm 1,2%, nhóm trẻ em từ 0-9 tuổi chiếm 0,9%;  nhóm 20-29 tuổi chỉ chiếm 8,1%.

Như vậy, những người già, người ở độ tuổi trung niên chiếm phần lớn các ca mắc Covid-19. Thanh thiếu niên và trẻ nhỏ rất ít mắc.

Theo WHO, những người có nguy cơ cao trong diễn biến bệnh nặng và tử vong chủ yếu là những người trên 60 tuổi và những người có bệnh sẵn như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và ung thư. Người già trên 80 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất. Trẻ em và thanh niên dưới 19 tuổi không chỉ có tỷ lệ mắc rất thấp mà trường hợp diễn biến nặng cũng rất ít 2,5% trường hợp diễn biến nặng và 0,2% nguy kịch.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, virus corona mới SARs-CoV-2 tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần kể từ khi xâm nhập. Người bệnh thường có biểu hiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi và tiêu chảy. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp nặng (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm - toan, rối loạn đông máu, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong.

PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chúc mừng bệnh nhân Tạ Kiến Hòa ra viện ngày 21/2.

GS Kính cũng nhận định, đối với người già, có nhiều bệnh nền, sức đề kháng kém thì dễ mắc SARs-CoV-2 hơn. Đồng thời, các trường hợp tử vong cũng xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phải điều trị cho 1 bệnh nhân người Trung Quốc mắc Covid-19 (66 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như mới phẫu thuật ung thư, tiểu đường, huyết áp cao). Đây là 1 trong 16 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, xuất viện của Việt Nam phải thở máy và điều trị kéo dài tới 15 ngày. Các bệnh nhân khác chỉ sau vài ngày là hết triệu chứng ho sốt. Con trai bệnh nhân này (28 tuổi) cũng bị Covid-19 nhưng sau 6 ngày đã khỏi bệnh.

Hay như Việt kiều Mỹ ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi) bị mắc Covid-19 nhập viện ngày 31/1 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp HCM. Ông này cũng bị ho, không sốt, có tổn thương phổi. Ông đã phải điều trị tới 3 tuần mới có thể hết bệnh và cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARs-CoV-2, trong khi người trẻ chỉ mất 5-10 ngày.

Như vậy, người cao tuổi vừa dễ mắc Covid-19, nếu mắc cũng có nguy cơ bị bệnh nặng hơn, điều trị lâu hơn.
 
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, năm 2018, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam là 11,9% (tương đương gần 11,5 triệu người trên 60 tuổi). Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.

Tránh xa nguồn bệnh

Bác sĩ Trần Mạnh Bắc (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cho biết, người cao tuổi thường có 3-4 bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, bệnh phổi mãn tính, tim mạch, hen suyễn... Chính vì vậy, sức đề kháng của người cao tuổi thường thấp. Do đó, họ thường có nguy cơ cao mắc các bệnh lây nhiễm, trong đó có bệnh Covid-19.

Người cao tuổi nên giữ ấm, luyện tập thể dục vừa phải và đeo khẩu trang khi tham gia các sự kiện đông người nơi công cộng. 

“Người cao tuổi nên đề phòng các bệnh lây nhiễm, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus, trong đó có cả virus SARs-CoV-2 đang gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Vì người cao tuổi sức yếu, mắc nhiều bệnh mãn tính nên khi bị mắc bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi thì rất dễ trở nặng, khó điều trị” – bác sĩ Bắc cho biết.

Ngoài ra, khi nhiễm virus, sức khỏe suy giảm thì các bệnh lý nền cũng rất dễ “thừa cơ phát tác” nặng hơn, khó trị hơn. Đến lúc đó người cao tuổi sẽ bị “bủa vây” cùng lúc nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, nặng, càng khó điều trị.

Theo bác sĩ Bắc, để đề phòng lây các bệnh đường hô hấp, người cao tuổi nên giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, hạn chế hội họp, tụ tập; nên đeo khẩu trang nếu phải đến nơi đông người; hạn chế bắt tay; rửa tay thường xuyên; ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; nếu bị các bệnh mãn tính nên uống thuốc đủ liều, đúng cách để bệnh ổn định. 

Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… Người cao tuổi phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều calo, đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.

Ngoài ra, bác sĩ Bắc cũng cho rằng, nếu người già nằm viện thì người thân quen cũng hạn chế đến thăm, mang theo virus lây bệnh thêm. Người đang ốm, đang có bệnh viêm đường hô hấp thì càng không nên đến thăm hỏi người già. Trong nhà có người già thì người thân càng nên chú trọng các biện pháp phòng bệnh hơn gia đình.

PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, do người cao tuổi dễ mắc Covid-19, khi mắc cũng dễ bị nặng. Vì vậy, người cao tuổi nên tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế về phòng bệnh Covid-19, cần tránh xa các nguồn lây bệnh, không tham gia tụ tập đông người, nhất là những nơi có nhiều người lạ. Khi cần đi ra các nơi công cộng đông người thì cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không đưa tay lên sờ mũi, miệng, mắt để tránh virus từ tay lây sang đường hô hấp.

Người già cũng cần bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo giữ ấm, không để bị cảm lạnh, không tiếp xúc gần với người ốm. Khi có các dấu hiệu ho, sốt thì cần đi khám y tế ngay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc chung tay chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) đã gấp rút huy động mọi nguồn lức để triển khai các chương trình “Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc – Chung tay chống dịch Covid-19”.

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/9-15-benh-nhan-moi-mac-covid-19-tren-60-tuoi-nguy-co-voi-nguoi-gia-d119039.html