Ai bảo vệ cảnh sát?

17/09/2020 07:42

Kinhte&Xahoi Dù không phải là thân thích ruột thịt, có lẽ rất nhiều người đã phải phân vân cân nhắc rất lâu trước khi xem clip chiến sĩ CSCĐ hy sinh dưới bánh xe 16 chỗ trong khi làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm.

Xe khách chống đối đâm cảnh sát tử vong ở Bắc Giang.

Chiếc xe chở hàng lậu điên cuồng lao trên đường, cố tình đánh lái lắc qua lắc lại. Trung sĩ cảnh sát gồng mình bám vào cần gạt nước trên nắp capo. Quãng đường có lẽ đã quá dài, điểm bám víu lại quá mong manh, nên không sức người nào chịu đựng nổi. Thêm một cú đánh lái, thêm một cú trượt tay chới với trong tích tắc, bóng người tuột vào gầm chiếc xe kẻ bất nhân đang điều khiển. Quá dã man. Quá đau lòng.

Vụ việc xảy ra vào chiều 14/9 trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, khi tổ công tác Công an Bắc Giang dừng xe Ford Transit nghi vấn vận chuyển hàng lậu. Sau khi chiếc xe dừng lại trên lề đường, tài xế ác nhân Trần Văn Dũng (SN 1989, quê Hà Nội, ngụ Lạng Sơn) đã bất ngờ tăng tốc lao thẳng vào nhóm cán bộ chiến sĩ đang thi hành công vụ đứng phía trước. Trung sĩ Nguyễn Văn Mạnh không tránh kịp, đành nhảy lên bám vào nắp ca pô của xe. Tài xế vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện điên cuồng chạy trốn, bất chấp tính mạng của chiến sĩ công an 23 tuổi.

Máu đã đổ. Tính mạng đã mất. Nước mắt đã rơi. Luật pháp đã bị vi phạm. Tội ác đã xảy ra. Nhưng còn nguyên đó câu hỏi nhức nhối: Cảnh sát bảo vệ dân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội thì ai bảo vệ cảnh sát?

Một thống kê của Bộ Công an đăng tải trên website csgt.vn cho thấy, chỉ riêng trong ngành CSGT, từ năm 2018 đến giữa năm 2020, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, làm hai cán bộ hy sinh, 27 cán bộ chiến sĩ bị thương. Số vụ tài xế hất cảnh sát lên nắp ca pô rồi chạy trốn thì lây lan nhanh như một bệnh dịch, xảy ra ở khắp các tỉnh, thành Bắc - Trung - Nam.

Để trả lời câu hỏi “ai bảo vệ cảnh sát?” nêu trên, trên lý thuyết, có thể trả lời ngay là pháp luật bảo vệ cảnh sát. Điều 330 BLHS đã quy định về tội chống người thi hành công vụ. Để răn đe những tài xế “ác quỷ”, ngày 17/10/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 6/11/2018 của Chánh án TANDTC. Theo án lệ này, một tài xế nhấn ga  hất một CSGT Hà Tĩnh lên nắp capo xe đã bị tuyên án 7 năm tù về tội “Giết người”.

Nghịch lý ở chỗ cũng tại Hà Tĩnh, hơn một năm sau ngày án lệ trên được TANDTC ban hành, TAND huyện Hương Sơn lại tuyên phạt tài xế Trần Trọng Phi (SN 1987) có hành vi gây án tương tự, mức án chỉ 15 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Với bản án như vậy, rõ ràng cảnh sát và sự tôn nghiêm của pháp luật đã không được bảo vệ.

Đã đến lúc TANDTC, thậm chí Quốc hội, cần có một Nghị quyết và các văn bản quy định, hướng dẫn xét xử các tài xế sử dụng chiếc xe của mình làm công cụ cướp mạng sống người khác. Đừng để máu của người đang thi hành công vụ đổ xuống vô ích. Hãy để người đã khuất được ngậm cười nơi chín suối vì sự hy sinh của họ đã giúp cuộc sống bình yên hơn, hệ thống pháp luật hoàn thiện tôn nghiêm hơn, những kẻ ác nhân bị trừng trị thích đáng. 

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mùa lúa chín ở Mù Cang Chải

Những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải tràn ngập sắc vàng óng của cây lúa chín tạo nên vẻ đẹp riêng biệt, thu hút đông đảo khách du lịch.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ai-bao-ve-canh-sat-d135362.html