Ấm áp nghĩa tình mùa Vu lan

28/08/2023 11:04

Kinhte&Xahoi Vu lan là một trong những dịp lễ quan trọng và ý nghĩa trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ngày Vu lan chính thức diễn ra vào 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, được coi là ngày báo hiếu và cầu siêu cho người đã khuất, đặc biệt là tổ tiên, cha mẹ. Tuy nhiên, Vu lan được coi là “mùa”, bởi suốt trong tháng 7, các hoạt động xoay quanh Lễ Vu lan với nhiều ý nghĩa sâu sắc đã được diễn ra khắp nơi. Tại TP HCM cứ mỗi mùa Vu lan lại diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa - tín ngưỡng đầy tinh thần bác ái, nhân văn.

Tại hầu hết ngôi chùa trên địa bàn TP HCM, từ đầu tháng 7 đã tổ chức những pháp hội tụng kinh, trong đó, những vị sư tại chùa sẽ có các buổi pháp thoại về tích Vu lan, về công ơn cha mẹ và tình thương đối với cha mẹ. Một số ngôi chùa có chương trình văn nghệ, dựng những vở kịch về công ơn cha mẹ. Hoạt động chăm sóc, bày tỏ tình cảm đối với cha mẹ cũng được trực tiếp thực hiện tại các buổi lễ.

Tại Lễ Vu lan diễn ra ở chùa Di Đà (Củ Chi) với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, phật tử, những hoạt động ý nghĩa đã được các tăng ni hướng dẫn phật tử tham gia. Các phật tử đã trực tiếp cài hoa lên áo cha mẹ, đồng thời từng người con hiếu, cháu thảo thực hiện nghi thức rửa chân báo hiếu và tặng hoa đến cha mẹ mình. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong buổi lễ từ những người con và các bậc sinh thành. Ni sư Thích Nữ Nguyên Chủng, trụ trì chùa Di Đà trong bài nói chuyện đã chia sẻ nguồn gốc lễ Vu lan, đưa ra lời khuyên các phật tử luôn giữ hiếu đạo với cha mẹ, tương thân tương ái với anh em, họ hàng, giúp đỡ bà con láng giềng… không chỉ trong một mùa Vu lan mà cố gắng thực hành trọn suốt đời mình.

Theo lời giảng của các vị sư, mùa Vu lan không chỉ là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ và tổ tiên mà còn là cơ hội để thể hiện lòng thành kính và lòng từ bi đối với mọi người và mọi loài. Chính vì thế, trong mùa Vu lan, bên cạnh các hoạt động hướng đến tán dương công ơn cha mẹ, ông bà, nhiều nơi còn tổ chức những hoạt động ý nghĩa khác. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và diễn ra nhiều hoạt động Phật sự lớn bậc nhất TP HCM, mùa Vu lan được bắt đầu từ ngày 1/7 âm lịch với nhiều hoạt động như tổ chức tụng kinh Vu lan, cầu an cho người còn sống, cầu siêu cho hương linh, lập đàn cúng cô hồn - những người mất đi không có thân nhân cúng tế. Đặc biệt, ngày 12/7 âm lịch, tức ngày 27/8 dương lịch, chùa tổ chức hoạt động hiến máu nhân đạo. Ngày 15/7 âm lịch, tức ngày 29/8 dương lịch, tại chùa Vĩnh Nghiêm sẽ diễn ra pháp thoại và các hoạt động dâng cúng, bày tỏ lòng biết ơn của các gia đình phật tử từ khắp nơi.

Chùa Vạn Đức ở Thủ Đức, ngôi chùa cổ nổi tiếng do cố Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh xây dựng cũng đã công bố nhiều chương trình ý nghĩa vào mùa Vu lan. Chùa sẽ tổ chức hoạt động thả đèn hoa đăng tại hồ sen. Đây là một nghi thức truyền thống của Phật giáo với ý nghĩa nguyện nương vào trí tuệ của Đức Phật, thực hành hiếu hạnh đến với cha mẹ đời này cũng như cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Hoạt động cài hoa lên ngực áo cha mẹ năm nay tiếp tục được nhà chùa tổ chức.

Tại chùa còn diễn ra hoạt động ý nghĩa thỉnh heo đất cúng dường Quỹ Phụng sự. Quỹ Phụng sự do chùa Vạn Đức thành lập với hình thức gieo duyên nuôi heo đất, nhằm kết nối phật tử đồng hành thiện nguyện, thể hiện lòng từ bi thông qua những việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn. Ngoài ra, khách đến chùa Vạn Đức dịp này cũng được nhà chùa tặng miễn phí kinh sách, đặc biệt là kinh sách về Vu lan, báo hiếu.

Những hoạt động này đã góp phần tạo nên một mùa Vu lan thật nhiều cảm xúc, nhiều yêu thương, lan tỏa tinh thần hiếu đạo, yêu thương con người, sống tích cực đến với cộng đồng của người Việt Nam.

 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/am-ap-nghia-tinh-mua-vu-lan-d197561.html