Bài học của việc chủ quan trong cách ly, dẫn tới dịch COVID-19 lây lan

03/12/2020 08:04

Kinhte&Xahoi Nếu tái diễn tình trạng lỏng lẻo trong cách ly phòng dịch COVID-19 như trường hợp nam tiếp viên hàng không vừa qua thì nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là rất lớn.

Đảm bảo thực hiện nghiêm công tác cách ly phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Xác định được F0, có thể khống chế dịch

Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca dương tính với COVID-19 là bệnh nhân số 1.347 (BN1347) do lây nhiễm từ người cách ly (là BN1342 trước đó); bệnh nhân 1.347 đã đi đến nhiều nơi, có hàng trăm trường hợp tiếp xúc gần, những địa điểm bệnh nhân này đi qua đang được thông báo để truy vết.

Đặc biệt, chiều 1/12, đã có thêm được 2 ca lây nhiễm tiếp theo, là F1 của BN1347.

Đánh giá về trường hợp lây nhiễm này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Trường hợp ca bệnh này đã nằm trong dự đoán trước của Việt Nam là có thể có những người vi phạm cách ly làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, có những người vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên lần này dịch có bị lan rộng ra cộng đồng hay không còn phụ thuộc vào ý thức phòng bệnh của chính người dân”.

Theo đó, trường hợp này khác với những trường hợp lây lan trong cộng đồng mà không xác định được F0 như ổ dịch ở Bạch Mai hay Đà Nẵng trước đó. Lần này, khi F0 và F1 đã được xác định, kết hợp với việc khoanh vùng, dập dịch, và ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao thì có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trường hợp BN1347 là đang trong thời gian cách ly nhưng vẫn tiếp xúc gần với người khác, thậm chí ngủ cùng người khác là vi phạm rất trầm trọng quy định về cách ly. Hiện Thủ tướng đã ban hành Nghị định 117 có hiệu lực từ 15/11 về xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm phòng dịch, trong đó quy định mức phạt đã rất rõ, theo Nghị định này để xử phạt hành vi vi phạm để có chế tài, có sức răn đe.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 từ Trung Quốc xâm nhập, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly, trong đó, nêu cụ thể người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú cần phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... Như trường hợp của tiếp viên vừa qua là vi phạm quy tắc phòng dịch.

"Việt Nam vẫn đang làm tốt công tác phòng chống dịch, đã có 90 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng; việc xảy ra vừa qua là đáng tiếc. Đặc biệt, nếu có sự lỏng lẻo trong cách ly như thế trường hợp vừa qua thì nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là rất lớn"- PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Bài học về sự nghiêm túc trong cách ly

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trường hợp nam tiếp viên vừa qua là biểu hiện của tình trạng chủ quan, dẫn tới hệ quả là có ca lây nhiễm  trong nước. Điều này cho thấy, người dân cần nghiêm túc trong thực hiện các khuyến cáo phòng dịch.

“Sự việc lần này cũng là bài học về công tác đảm bảo cách ly. Thực tế, chính những người phụ trách khâu cách ly phải chịu trách nhiệm, ví dụ chủ khách sạn đã thu tiền của người cách ly thì tất cả những gì để xảy ra tại nơi cách ly thì phải chịu trách nhiệm. Còn với những trường hợp cách ly tại nhà thì không chỉ chính người cách ly mà đơn vị quản lý con người ở địa phương phải chịu trách nhiệm. Chẳng hạn người của đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Hiện đã có quy định rõ ràng, phải thông báo các trường hợp cách ly cho chính quyền địa phương, y tế địa phương biết để có các biện pháp cách ly, giám sát người cách ly”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, vấn đề ý thức của mỗi người dân vẫn là quan trọng nhất vì không ai có thể giám sát được 24/24 giờ, trừ trường hợp người cách ly trong doanh trại quân đội. Thậm chí lực lượng y tế phường, xã, tổ dân phố cũng không thể giám sát được người cách ly một cách tuyệt đối. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của người cách ly, cần phải yêu cầu những người đó thực hiện nghiêm túc, phải có biện pháp răn đe trước khi họ vi phạm.

Theo các chuyên gia, những nghiên cứu mới đây cho rằng giai đoạn lây mạnh nhất của COVID-19 là trong 5 ngày đầu, từ ngày thứ 9-10 thì khả năng lây lan thấp hơn. Tuy nhiên việc cách ly đủ 14 ngày là quy định cần thiết. Vì thực tế cho thấy có nhiều trường hợp ban đầu xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại dương tính.

Mùa đông năm nay đã được dự báo là sẽ rất khốc liệt với phòng chống dịch COVID-19 vì hiện tình hình dịch trên thế giới đang rất phức tạp, số ca mắc trong ngày hiện đang rất cao. Trong khi đó, mùa đông lạnh, người dân có xu hướng tập trung ở trong nhà, phòng kín nhiều; virus lại có thể sống trong môi trường không khí lạnh lâu hơn nên nguy cơ lây truyền cao hơn. Không riêng COVID-19 mà kể cả các dịch cúm khác trong mùa đông cũng dễ lây lan hơn.

“Mùa đông, người dân dễ mắc các bệnh cúm với các triệu chứng giống COVID-19. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện khám, nên các cơ sở y tế sẽ rất vất vả trong việc phân loại, cách ly hoặc phân luồng để không bỏ sót những người mang mầm bệnh COVID-19. Năng lực chống dịch của Việt Nam là có nhưng không thể là vô hạn. Như vừa qua, đợt dịch COVID-19 xảy ra ở Đà Nẵng chúng ta đã phải tập trung toàn ngành y tế, huy động toàn lực để khống chế, nếu để lây lan rộng hơn thì vô cùng khó khăn để chống dịch”, PGS. Nguyễn Huy Nga cảnh báo.

Vì vậy trong điều kiện dịch như hiện nay, mỗi người phải cùng chung tay, chung sức, tự nâng cao ý thức phòng chống dịch mới bảo vệ được thành quả phòng dịch của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên lo lắng, Bộ Y tế đang chỉ đạo rất quyết liệt trong việc truy vết, tìm người tiếp xúc để cách ly. Trước đó, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan trong tình hình mới, thực hiện thông điệp 5K gồm: Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế. Trong điều kiện hiện nay người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp này để tránh bùng phát dịch.

Tạ Nguyên  -  Theo Báo Tin Tức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Món ăn mang hơi ấm bàn tay má

Má tôi đã già. Tuổi ngoài 90 sự minh mẫn, tinh tường đang dần rời bỏ má ra đi, để người già hóa con trẻ. Mỗi lần về thăm má, nhìn má vui mừng đến cuống quýt trước những món quà, trái tim tôi như thắt lại trước những kỷ niệm xưa, khi còn thơ bé ngóng má đi chợ về mỗi sáng ngày.

“Việt Nam, nên là bếp ăn của thế giới”?...

Ngoài danh lam thắng cảnh, Việt Nam còn được du khách nước ngoài đánh giá cao về ẩm thực. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam tại các Festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế thưởng thức. Ẩm thực Việt Nam liên tục được vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới, vinh danh trên những giải thưởng du lịch. Rất nhiều du khách quốc tế lặn lội đường xa để tới thưởng thức ẩm thực ở mảnh đất hình chữ S.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bai-hoc-cua-viec-chu-quan-trong-cach-ly-dan-toi-dich-covid-19-lay-lan-d142324.html