Băn khoăn trước việc hôn cổ người dưới 16 tuổi bị coi là dâm ô

27/10/2019 10:54

Kinhte&Xahoi Liệt kê cụ thể các vùng nhạy cảm để xác định tội danh dâm ô cho thấy sự đổi mới nhưng cũng sẽ gây cản trở việc xác định tội danh.

Thẩm phán TAND Tối cáo vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số điều luật liên quan đến các tội Xâm hại tình dục. Theo đó, từ ngày 5/11/2019, ai làm những việc sau với người dưới 16 tuổi sẽ bị xác định có hành vi dâm ô: Dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.

Hình minh họa

Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.

Cũng theo Nghị quyết, hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi,…) dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

TAND Tối cao cho biết không phải cứ tiếp xúc vào vị trí nhạy cảm của trẻ em đều bị quy kết. Hội đồng thẩm phán hướng dẫn không xử lý hình sự với người trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng như người khám chữa bệnh hay làm việc vì mục đích giáo dục...

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ -  Chi hội trưởng chi hội Luật sư - hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhận định, Nghị quyết đã giúp những người tiến hành tố tụng dễ dàng xác định được tội danh và hành vi, tránh nhiều trường hợp có việc xâm hại xảy ra nhưng cơ quan điều tra từ chối khởi tố vì cho rằng hành vi không cấu thành.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật xây dựng lập quy thì chưa ổn. Việc sử dụng phương pháp liệt kê có mặt thuận lợi, tuy nhiên cũng dễ phát sinh tình huống khó xử lý một số hành vi xảy ra trong thực tế nhưng không nằm trong danh sách liệt kê.

Như vậy, nếu một hành vi xâm hại tình dục khác nằm ngoài các hành vi đã được liệt kê thì các cơ quan tố tụng có dám xử lý hình sự đối tượng thực hiện không? Chưa kể, trong mục mô tả về hành vi dâm ô, dự thảo liệt kê một số bộ phận cơ thể được coi là vùng nhạy cảm.

"Nếu đối tượng không sờ, hôn, bóp vào vùng đã được liệt kê mà vào vùng khác thì sao? Đơn cử như đối tượng hôn, sờ, bóp vào vùng dái tai, cổ, bụng chẳng hạn thì có bị xem là có hành vi dâm ô không? Bởi vì trong thực tế, những vùng này cũng là vùng nhạy cảm nhưng không được liệt kê trong Nghị quyết”, luật sư Nữ nói.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, Nghị quyết đã thể hiện nội dung quan trọng nhất là đã mô tả chi tiết hai khái niệm là “Dâm ô” và khái niệm “Quan hệ tình dục khác” để phân biệt với khái niệm “giao cấu” làm cơ sở xác định tội danh và cấu thành tội phạm.

“Dù mô tả nhiều hành vi, nhiều vị trí trên cơ thể mà đối tượng có thể tác động tới nạn nhân nhưng nội dung quy định này vẫn hướng tới mục đích của hành vi là những hành vi đó phải nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục.

Như vậy, vấn đề là đối tượng sờ mó, nắn bóp, đụng chạm, cọ xát... vào đâu, vị trí nào trên cơ thể của nạn nhân không quan trọng, quan trọng là mục đích tiếp xúc cơ thể của đối tượng để làm gì?" - ông Cường bày tỏ.

/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sao không bảo tồn bằng phát triển du lịch?

Thực tế cho thấy, di sản càng không được để mắt tới, càng bị lãng quên càng dễ "biến mất". Trong khi đó, những di sản, di tích được sử dụng để làm du lịch có thể hài hòa giữa hai yếu tố: Bảo đảm kinh tế và bảo vệ di sản văn hóa.

Theo Đất Việt/ Pháp luật Plus