Bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết

08/01/2021 07:50

Kinhte&Xahoi Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc cây trồng, đàn vật nuôi để kịp thời cung cấp ra thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết. Theo đánh giá của ngành chức năng, dịp Tết năm nay sẽ cơ bản bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường và dự báo giá cả ít biến động.

Người trồng rau ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) chăm sóc bắp cải, chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Chủ động sản xuất để tăng nguồn cung

Những ngày này, nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp chăm sóc rau. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết: Với diện tích 220ha rau an toàn, hiện hợp tác xã đang đẩy mạnh sản xuất để trong dịp Tết Nguyên đán tới mỗi ngày có thể cung cấp 50-60 tấn rau các loại ra thị trường. Còn tại huyện Phú Xuyên, ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc cho hay, để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán, từ 5 tháng trước, gia đình đã nhập gần 300 con gà về thả vườn, dự kiến những ngày gần Tết sẽ cung cấp ra thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin, hiện toàn huyện có hơn 5.000 con trâu, bò; khoảng 32.000 con lợn và hơn 2 triệu con gia cầm. Nhìn chung, đàn vật nuôi đang phát triển và được kiểm soát dịch bệnh, dự kiến bảo đảm cung ứng một lượng lớn thực phẩm ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Ngoài ra, thời gian này, nông dân trên địa bàn đang tích cực thu hoạch các loại rau vụ đông phục vụ thị trường Tết và chuẩn bị giống để gieo trồng vụ xuân 2021 với diện tích gần 8.000ha.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho hay, hiện tại, đàn gia cầm của huyện có hơn 1,1 triệu con, đàn lợn gần 80.000 con... Ngành chức năng của huyện đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bảo vệ đàn vật nuôi trước thời tiết giá rét, ngăn ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ đông năm 2020-2021, Hà Nội đã mở rộng diện tích cây trồng lên 45.000ha, tăng gần 13.000ha so với vụ trước. Hiện các địa phương đang tích cực thu hoạch để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán và chuẩn bị gieo trồng vụ xuân với diện tích hơn 112.000ha phục vụ nhu cầu tiêu dùng thời điểm đầu năm mới. Ngoài ra, ở thời điểm này, đàn vật nuôi của thành phố đang được chăm sóc, theo dõi dịch bệnh chặt chẽ và tăng trưởng tốt. Hiện đàn trâu, bò trên địa bàn thành phố có 158.000 con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm gần 40 triệu con, tăng 15%; đàn lợn 1,6 triệu con, tăng 63,3%.

Cân đối cung - cầu với giá cả ổn định

Hiện nay, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng của Hà Nội là 10.671 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô là 6.198 tấn/tháng. Với mặt hàng thịt lợn, sản lượng xuất chuồng đạt khoảng 17.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng là 18.594 tấn/tháng, đáp ứng được 94,1%. Còn sản lượng rau, củ đạt 67.299 tấn/tháng, so với nhu cầu tiêu dùng là 103.300 tấn thì đáp ứng được 65,1%...

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán, Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: “Đối với các sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, Hà Nội đã, đang chủ động liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch phục vụ người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lễ hội đầu năm 2021”.

Mặt khác, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, từ rau, củ, quả đến các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào thành phố, bảo đảm ổn định thị trường, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. 

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết như rau, thịt..., không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến ở chợ dân sinh. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, huyện đã yêu cầu các phòng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Góp phần bình ổn thị trường trong thời gian tới, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết, công ty cam kết bán hàng với giá cả ổn định như các tháng khác trong năm. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Chữ cho rằng các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông trên thị trường, nhất là ở chợ dân sinh; xử lý nghiêm theo quy định nếu xảy ra tình trạng tăng giá quá cao.

Với việc đẩy mạnh sản xuất, tích cực kiểm soát dịch bệnh và quản lý thị trường, về cơ bản thị trường nông sản, thực phẩm Hà Nội sẽ bảo đảm cân đối cung - cầu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

 Ngọc Quỳnh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gan ngỗng béo Pháp “ngấm đòn” dịch Covid-19

Gan ngỗng béo (foie gras) là món ăn được mệnh danh là “linh hồn của nghệ thuật ẩm thực Pháp”, là món ăn Pháp được Nữ hoàng Anh Elizabeth yêu thích nhất. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang khiến món ăn này bị đe dọa.

Những người bán quần áo dạo trong giá rét

Thời tiết giá rét, nhiều tiểu thương ở Hà Nội tranh thủ mang quần áo ra các vỉa hè bán dạo cho khách hàng qua đường. Để bươn trải mưu sinh, họ chấp nhận khói bụi, trần mình trong cái lạnh buốt giá.

Nguồn Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/988116/bao-dam-nguon-cung-nong-san-thuc-pham-dip-tet