Bất ngờ phát hiện dấu tích đền tháp cổ hơn 1.000 năm

21/02/2020 11:07

Kinhte&Xahoi Sau thời gian khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa ở Khu di tích lịch sử - văn hóa Bến Đình.

Liên quan đến thông tin phát hiện dấu tích đền tháp cổ hơn 1.000 năm ở Tây Ninh, ngày 20/2, trao đổi với báo Đất Việt, đại diện Sở VH-TT-DL Tây Ninh cho biết, đây là di tích loại hình khảo cổ.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Bến Đình (ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) là một địa điểm còn lưu lại những phế tích của các công trình xây dựng đền tháp.

Trong quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu, các cán bộ khảo cổ đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở 4 gò đất trên cao 5m.

Dấu tích kiến trúc đền tháp cổ vừa được phát hiện tại khu di tích Bến Đình

"Ngày xưa các nhà nghiên cứu đã phát hiện các phế tích (quá trình xây dựng đền tháp trước kia còn lưu lại), do vậy mới đề xuất cho chủ trương khai quật để khẳng định giá trị", vị đại diện Sở VH-TT-DL Tây Ninh nói.

Được biết, để khai quật và phát hiện những dấu tích có niên đại hơn 1.000 năm tuổi này, Trung tâm  Nghiên cứu khảo cổ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã huy động 30 công nhân, nhà khảo cổ, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thực hiện.

Theo thông tin trên báo chí, Thạc sĩ Lê Hoàng Phong- Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học, người trông coi công tác khai quật tại khu di tích, cho biết công tác khai quật được triển khai từ ngày 10/10/2019 đến ngày 8/12/2019 với mục đích thăm dò vùng lõi tại khu di tích Bến Đình.
 
Quá trình khai quật được chia làm 2 khu vực, khu vực 1 tại vùng gò của Bến Đình; khu vực 2 là đào thám sát xung quanh để xác định mật độ di tích phân bố nhằm xác định vùng lõi di tích, thuận tiện cho việc bảo vệ di tích được khai quật.

Trên gò Bến Đình, đoàn đã mở 6 hố khai quật, tổng diện tích hiện tại khoảng 300m2. Khu vực xung quanh Bến Đình có 14 hố thám sát, tổng cộng 30m2.

Thạc sĩ Phong cho biết thêm, trong 6 hố khai quật, đội phát hiện rất nhiều nền móng của kiến trúc. Trong đó, hố khai quật 1 và 6 phát hiện dấu tích của Nhà dài có quy mô lớn với bề ngang khoảng 6m và dài 22 m. Ngoài ra, trong lòng của di tích có để lại dấu vết sinh hoạt và kiến trúc của nhà sập còn giữ nguyên lại trên bề mặt.

Dấu tích gạch nung, mảnh bình gốm vừa được phát hiện tại Khu di tích. Ảnh: Báo Tây Ninh

Cũng theo ông Phong, đây là một di tích rất đặc biệt, sau khi khai quật đã để lại nhiều nền móng kiến trúc khá nguyên vẹn.Nói về niên đại của các dấu tích, thạc sĩ Lê Hoàng Phong cho biết: “Niên đại có thể từ thế kỷ 8 - 9. Còn có một số giai đoạn muộn về sau nữa, nhưng để biết chính xác thì phải chờ kết luận nghiên cứu phân tích của các nhà khoa học. Tuy nhiên, giai đoạn sớm của các dấu tích có thể ở thế kỷ 8 - 9 sau Công nguyên, thuộc giai đoạn hậu Óc Eo cách đây hơn 1.000 năm”.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Bến Đình được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1998. Nơi đây để lại dấu tích với nhiều di vật khảo cổ thể hiện kiến trúc tôn giáo và cả bến cảng cổ nằm bên bờ nam sông Vàm Cỏ Đông, trên một số gò đất cao. Niên đại của di tích khảo cổ này được ước định khoảng thế kỷ VII - VIII, có giai đoạn kéo dài muộn hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng virus corona, khám phá Thủ đô Hà Nội

Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của sự lây lan dịch virus Covid-19, điều này khiến cho hoạt động du lịch thời gian ở Hà Nội bị "lắng lại". Tuy nhiên, trong những ngày qua lượng du khách đến Thủ đô đã bắt đầu tăng trở lại sau khi thời tiết dần ấm lên cùng những tín hiệu tốt về tình hình diễn biến dịch bệnh.

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/bat-ngo-phat-hien-dau-tich-den-thap-co-hon-1000-nam-d117818.html