Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội

24/02/2022 17:40

Kinhte&Xahoi Ngày 24-2, thực hiện chương trình Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiếp tục thảo luận tại tổ về 4 nội dung quan trọng đã được báo cáo trong phiên khai mạc chiều 23-2.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Trong sáng 24-2, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về các nội dung: Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tờ trình về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội. Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận về Tờ trình về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đóng góp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều cùng ngày, phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về 2 nội dung: Tờ trình về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, sau hai buổi thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, với những quan điểm, định hướng, cơ sở lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, chất lượng cho việc hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giải trình về những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, có cả nguyên nhân chủ quan do trách nhiệm tổ chức thi hành luật của thành phố còn hạn chế, có những nội dung chưa quyết liệt đề xuất Trung ương, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đồng thời, cũng có những nguyên nhân khách quan liên quan đến thể chế, đến trách nhiệm của các cơ quan khác, đến nguồn lực tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng, trong trường hợp di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị trung ương, di dời cơ sở công nghiệp, các cơ sở đại học, bệnh viện gặp nhiều vướng mắc về việc bố trí quỹ đất, nguồn lực tài chính để thực hiện việc di dời, có những trường hợp cơ quan trung ương đã xây dựng trụ sở mới nhưng xin Trung ương giữ lại trụ sở hiện có, không bàn giao lại cho thành phố. Một số bệnh viện đã đầu tư xây dựng cơ sở mới nhưng không giảm, mà còn tăng quy mô giường bệnh tại cơ sở cũ trong nội thành. Đây là các cơ sở, đơn vị do Trung ương quản lý, vì vậy, việc thành phố có thể quyết định các biện pháp thực hiện trong vấn đề này gặp rất nhiều rào cản.

Quang cảnh hội nghị.

Liên quan đến những góp ý về Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, nhìn chung, 16 vấn đề chính sách được nêu là những vấn đề hoàn toàn mới, là sự sửa đổi, bổ sung toàn diện cho Luật Thủ đô. Sau hội nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, tổ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện một cách cơ bản, toàn diện.

Đối với Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thông tin, qua 2 buổi thảo luận tại 4 tổ, đã có 34 ý kiến với 60 vấn đề góp ý vào nội dung này.


Các ý kiến góp ý cơ bản thống nhất với báo cáo; lý do, sự cần thiết, căn cứ xây dựng báo cáo, các tồn tại, hạn chế, các mục tiêu, quan điểm và định hướng, cùng các nội dung kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị và các cơ quan trung ương nhằm điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trân trọng ghi nhận các ý kiến góp ý và cho biết tổ thư ký đã ghi chép đầy đủ để tổng hợp hoàn thiện các văn bản theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ.

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô

Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về 2 nội dung: Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tờ trình về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Đối với Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, trong 2 phiên thảo luận của 4 tổ, tất cả ý kiến đều đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng đối với Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết. Việc xây dựng các văn bản bảo đảm khoa học, chất lượng, lấy ý kiến qua nhiều vòng, nhiều bước, với sự tham gia của các bộ, ban, ngành trung ương, các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà khoa học.

Đa số ý kiến nhất trí với các dự thảo văn bản trong Tờ trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ và thống nhất đánh giá: Các báo cáo đã đánh giá nghiêm túc, nhìn thẳng sự thật, đánh giá khách quan những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đồng thời, góp ý bổ sung, nhấn mạnh và đề nghị làm rõ một số nội dung. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến phát biểu tại 4 tổ thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện tờ trình.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại hội nghị.

Đối với dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII, đã có 27 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Các ý kiến cơ bản thống nhất việc sửa đổi Quy chế làm việc của Thành ủy; việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong dự thảo quy chế mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Thường trực Thành ủy, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Về việc phân công các cơ quan được giao chủ trì theo từng lĩnh vực thực hiện việc sơ, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và đóng góp ý kiến đối với các chương trình, kế hoạch, đề án, báo cáo… của các bộ, ban, ngành trung ương, các ý kiến cũng cho rằng, việc Thành ủy tham gia ý kiến là phù hợp với các chỉ đạo mới của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay để giảm bớt thời gian, rút ngắn quy trình xin ý kiến… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện các văn bản theo đúng quy định.

Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII. 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Hoàn thiện 3 nội dung lớn tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và hiệu quả, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và thành công tốt đẹp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội nghị.

Qua tổng hợp, đã có 70 ý kiến phát biểu tại hội nghị. Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu, giải trình các ý kiến. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của hội nghị và giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các văn bản trước khi ban hành và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những nội dung chủ yếu đã được hội nghị thống nhất, trước hết về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản đồng tình với đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy và ý kiến phát biểu của một số đại biểu tại hội nghị, để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Báo cáo tổng kết và nội dung dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất và đánh giá cao Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Thủ đô của thành phố và Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã xây dựng và đề xuất 16 nhóm chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thể hiện cơ bản, toàn diện trên các lĩnh vực: Tổ chức chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô Hà Nội và điều kiện thực tiễn của thành phố.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu, sau hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các đơn vị chủ trì các nội dung: Tổng kết Luật Thủ đô, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tăng cường phối hợp để tiếp tục rà soát, hoàn thiện 3 nội dung lớn mà Thành ủy thảo luận, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông hữu cơ giữa 3 nội dung.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội nghị.

Về định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với Quy hoạch thành phố Hà Nội và định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao với chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm 5 mục tiêu; 8 quan điểm; 8 định hướng chính và 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp, hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII, Bí thư Thành ủy giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia, đóng góp xác đáng của các đại biểu tại hội nghị, hoàn thiện Quy chế, trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, phê duyệt và ký ban hành để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ thành phố.

Đề cập tình hình và những nhiệm vụ đang đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống ôxy tại các bệnh viện, cơ sở y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động... để tổ chức khám và điều trị các ca mắc theo diễn biễn của dịch bệnh và bảo đảm chủ động trong mọi tình huống của dịch.

Trên cơ sở Nghị quyết và kết luận của hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và cả hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các đề án, dự án, báo cáo trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch đề ra; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và các năm tiếp theo; đồng thời, tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, sớm đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.

HƯƠNG LY - HÀ VŨ - ẢNH: VIẾT THÀNH- Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơ hội vàng để phát triển du lịch

Chính phủ đã chính thức đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” từ ngày 15-3-2022. Đây được xem là cơ hội vàng để ngành Du lịch vực dậy, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đề ra chương trình, kế hoạch riêng để sẵn sàng đón đầu lượng khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.

Phụ nữ Thủ đô hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2022

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2022), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phát động “Tuần lễ áo dài năm 2022”, bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1025533/be-mac-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-dang-bo-thanh-pho-ha-noi