Bị Bảo hiểm Bưu điện PTI cò quay gây khó khăn, khách hàng ngậm ngùi mang xe tự đi sửa

11/07/2019 14:52

Kinhte&Xahoi Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu Điện (PTI) cò quay, né tránh với khách hàng trong việc bồi thường xe gặp tai nạn.

Thời gian vừa qua, anh Nguyễn C.K. (ở Ba Đình, Hà Nội) gửi đơn đến tòa soạn Pháp luật Plus phản ánh về chất lượng dịch vụ của Hãng bảo hiểm PTI. Theo anh K., Bảo hiểm Bưu điện PTI đã gây khó khăn và cố tình né tránh việc hỗ trợ bồi thường đối với thiệt hại chiếc xe ô tô anh lái bị tai nạn.

Theo trình bày, vào khoảng 8h30 tối 12/6/2019 vừa qua, anh K. lái chiếc xe Mazda3 của bạn đi về nhà. Chiếc xe này đã mua bảo hiểm tự nguyện của Tổng Công ty CP bảo hiểm Bưu Điện (PTI).

Do lái xe bất cẩn, xe anh va quệt vào vào góc bờ tường ở gần nhà khiến xe bị xước móp. Anh đã gọi điện thông báo tai nạn lên số điện thoại của hãng bảo hiểm PTI. Sau đó, một người xưng là Lê Quang Tùng (nhân viên giám định bảo hiểm PTI) đã đến hiện trường chụp ảnh.

Tuy nhiên tại hiện trường, nhân viên này một mực nói với anh K. rằng “vết tai nạn này không đúng hiện trường” và cho rằng anh K. bị tai nạn chỗ khác rồi mang về đây ăn vạ.

Thậm chí anh ta còn đưa ra yêu cầu: “Anh chỉ cho tôi xem điểm va chạm ở những chỗ nào”. Anh K. trả lời rằng anh K. chỉ biết xe va chạm bị xước móp chứ anh K. sao biết được điểm va chạm là những điểm nào.

Hình ảnh hiện trường chiếc xe của anh Nguyễn C.K lúc gặp tai nạn.
Phần đầu chiếc xe gặp tai nạn.

Nhân viên giám định tiếp tục nói rằng điểm xước móp này không trùng khớp với hiện trường và không thuộc trường hợp được bồi thường.

Anh K. thừa nhận sau khi xe va chạm, vì hơi mất bình tĩnh nên có lái xe lùi hoặc tiến xê dịch một phần nào đó.

Nhưng anh K. khẳng định: Việc va chạm xe vào cột bờ tường ở đây và bị thiệt hại là có thật. Không hề có chuyện anh K. gây tai nạn chỗ khác rồi mang về đây.

Nhân viên PTI vẫn không chấp nhận và khăng khăng anh K. không bị tai nạn ở đây. Thậm chí anh ta còn thách thức rằng sẽ gọi CSGT đến tạm giữ xe để mang đi giám định.

Nhưng anh K. thừa hiểu, nếu CSGT giữ xe giám định thì không biết đến lúc nào sẽ lấy được xe ra, thiệt hại không biết đâu mà kể, còn tốn kém quá nhiều lần so với tiền bảo hiểm.

Trao đi đổi lại rất mất thời gian, lúc đó vợ con anh K. đang ốm ở nhà, chính anh K. cũng đang ốm nhưng vẫn cứ phải đứng tranh cãi với nhân viên giám định.

Cực chẳng đã, anh K. tiếp tục liên hệ với lãnh đạo của bên phía giám định. Người tên Hùng (có thể là quản lý) cũng khăng khăng rằng anh K. phải thừa nhận tai nạn nơi khác và đưa về đây chứ không khớp hiện trường. Anh ta còn nói rằng thừa nhận thì sẽ hỗ trợ.

Anh K. nhắc lại rằng: "Việc tai nạn của tôi ở đây là có thật dù có hơi bị xê dịch. Tôi mong các anh giải quyết sớm giúp tôi, chứ tôi không xin xỏ gì cả".

Sau đó, nhân viên giám định nói chuyện thêm 1 lúc rồi ra về, không lập biên bản và cũng không có 1 hướng dẫn gì. Sự việc từ lúc báo tin bảo hiểm đến lúc kết thúc đã gần nữa đêm khiến anh K. rất mệt mỏi.

Chiếc xe của anh K.

Vết thiệt hại của xe tuy không lớn lắm nhưng anh K. lại rất cần sửa xe sớm để cuối tuần về quê có việc trong khi anh K. vẫn không biết họ có giải quyết cho mình hay không.

Sáng hôm sau, anh K. 5 lần 7 lượt gọi điện thoại cho bên bảo hiểm PTI đề nghị được hướng dẫn làm thủ tục bảo hiểm. Mãi lúc sau một nhân viên giám định khác gọi điện thoại hẹn đến Mazda Phạm Văn Đồng (theo yêu cầu của anh K.).

Đến đây, anh K. cứ nghĩ đã báo tin như vậy rồi thì việc thủ tục đưa xe vào làm bảo hiểm sẽ nhanh chóng được thực hiện.
 
Anh K. cũng nói trước là anh K. rất vội đi công tác, đề nghị bên bảo hiểm giải quyết nhanh. Nhưng nhân viên này lại nói với anh K. rằng “trường hợp của anh rất nhạy cảm và phức tạp, không thể làm nhanh được” và phải mất cả buổi.

Người này lại tiếp tục điệp khúc: trường hợp xe anh không đúng hiện trường, sẽ phải xem xét và giải quyết lâu.

Anh K. quá ức chế với cách làm việc kiểu cò quay của bảo hiểm PTI. Thứ nhất: việc khách hàng bị tai nạn thiệt hại là có thật. Thứ hai: vụ tai nạn không hề phức tạp 1 chút nào. Vậy mà bảo hiểm PTI cứ đưa đi đẩy lại không hiểu vì lý do gì.

Vì quá mất thời gian mà lại phải đi công tác, anh K. đành bỏ dở và xin phép sẽ tiếp tục làm biên bản giám định sau. Nhưng vì cần sửa xe gấp, anh K. đã nhờ nhân viên dịch vụ ở Mazda nói với bên giám định là tạo điều kiện xin biên bản mẫu để khai báo thông tin giúp và anh K. sẽ về ký sau.

Vậy nhưng bên giám định bảo hiểm không đồng ý mà yêu cầu anh K. phải có mặt mới làm việc. Trong khi anh K. thừa hiểu, khi ngồi làm việc với họ sẽ mất thời gian thế nào khi họ cứ quy kết cho anh K. là xe tai nạn không đúng vị trí hiện trường.

Quá vội và quá thất vọng với cách làm việc của bảo hiểm PTI, anh K. đành ngậm ngùi tự trả tiền sửa chữa xe. Đến nay, bảo hiểm PTI cũng không có phản hồi gì bằng điện thoại hay văn bản nào đối với khách hàng.

Theo anh K. thiệt hại tai nạn không quá lớn, khoảng 3 triệu đồng, nhưng cách mà PTI đối xử với khách hàng là không chấp nhận được.

Thay vì chăm sóc hướng dẫn cho khách hàng thì họ luôn tỏ ra rất trịch thượng như ban ơn. Điều quan trọng là khách hàng đã thông báo tai nạn, nhưng họ cứ quy kết cho khách hàng vào diện không được bảo hiểm để làm khó khách hàng.

Trong khi đó, họ cũng chẳng thể chứng minh được là khách hàng tai nạn chỗ khác. Hơn nữa, việc giám định vết thiệt hại tai nạn để bảo hiểm không nhất thiết phải như giám định của CSGT để xác định đúng sai. Chỉ cần xác định có vụ tai nạn và bị thiệt hại là khách hàng phải được bồi thường.

Vậy nhưng PTI cứ làm việc theo kiểu cò quay, né tránh rất khó chịu và không khách hàng nào rảnh rỗi để cãi nhau qua lại với các nhân viên giám định.

Anh K. cho biết, trước đây, khi anh K. bị vỡ kính lái, cũng một lần nhân viên bảo hiểm PTI đã có kiểu làm như vậy. Anh ta bảo anh K. khai báo thời điểm tai nạn khác với khi anh K. báo tin lên tổng đài.

Với lý do là: Vết kính nứt không khớp thời điểm. Lúc đó anh K. đã phải nổi nóng nói rằng: Anh bảo anh K. khai vậy, nếu sau này bên bảo hiểm bảo anh K. sao lại báo tin 1 thời điểm, vỡ 1 thời điểm khác, thì anh K. làm thế nào? Hóa ra anh K. lừa bảo hiểm à. Lúc sau nhân viên này mới chịu cho anh K. khai đúng thời điểm.

Trước sự việc trên, anh K. đề nghị cơ quan báo chí vào cuộc làm rõ, phản ánh tới công luận để yêu cầu Bảo hiểm PTI phải có cách đối xử tử tế hơn với khách hàng.

Trước sự việc trên, Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ với Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI  để lắm rõ thông tin cho khách quan, thì sau nhiều lần liên hệ làm việc, phóng viên nhận được câu trả lời của một lãnh đạo phòng giám định xe tai nạn thuộc Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện PTI rằng có sự việc như trên và sau nhiều buổi làm việc hiện Công ty đã thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng K.

Như vậy, với cách làm việc cò quay, né tránh trách nhiệm của Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện PTI với khách hàng như đơn thư của anh K. phản ánh, nếu không có sự vào cuộc của cơ quan báo chí phanh phui vụ việc thì không biết khi nào Công ty mới bồi thường quyền lợi cho khách hàng và từ trước tới nay có biết bao nhiêu khách hàng bị trường hợp tương tự mà không biết kêu cứu nên đành chấp nhận sự việc trong ngậm ngùi?


Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Căn bệnh' vô lễ đang mài mòn giá trị nghệ thuật

Không ít nghệ sĩ kì cựu thời gian qua đã có những than phiền về vấn đề nghệ sĩ trẻ vô ơn, hành xử vô lễ với tiền bối trong nghề. Và “căn bệnh” vô lễ cũng được coi là căn bệnh trầm kha, có nguy cơ mài mòn những giá trị tốt đẹp của làng nghệ thuật.

Nguồn: Pháp luật Plus