Bi hài cha mẹ học trực tuyến cùng con

29/08/2021 10:26

Kinhte&Xahoi Càng gần kề năm học mới, những phụ huynh và học sinh tiểu học không khỏi hoang mang.

Dịch bệnh căng thẳng, học sinh tại một số tỉnh, thành khó có thể tới trường học trực tiếp. Điều học sinh và phụ huynh lo lắng khi học online, học sinh tiểu học làm sao có thể tiếp thu bài giảng một cách trọn vẹn để nạp đủ kiến thức.

Bộn bề trăm mối

Chị Thu Trang (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con gái tôi vào lớp 1. Bao nhiêu sự háo hức của con khi ngày khai giảng, được vẫy chào cờ hoa tan biến theo kế hoạch khai giảng online mùa tựu trường. Điều tôi lo lắng nhất là việc học online. Con gái tôi vốn ở độ tuổi hiếu động. Nếu ở nhà, bé ít ngồi một chỗ quá 15 phút. Thay vào đó bé sẽ chạy quanh khắp phòng, nhún nhảy, chơi đồ chơi hoặc chuyện trò với bố mẹ. Môi trường học tập mới khác hẳn với mầm non. Nếu ngồi ngay ngắn trước màn hình máy tính học online với cô giáo và các bạn từ 30 - 45 phút qua chiếc máy tính, bé sẽ rất dễ chán. Các kiến thức tập đọc, tập viết rất cần cô giáo dạy dỗ, uốn nắn trực tiếp. Trong khi bài giảng cô giáo qua zoom bị ngắt quãng qua đường truyền, các tạp âm cũng sẽ khiến cháu mất sự hứng thú, tập trung, cảm thụ”.

Trong khi đó, với các bậc phụ huynh không phải ai cũng có thể thu xếp được công việc để ngồi học cùng con. Việc nhờ cậy ông bà cũng không khả thi vì hầu hết ông bà cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng thiết bị công nghệ.

Vì không hợp nhau, vợ chồng anh Hoàng Trọng Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) chia tay khi con trai anh - bé An tròn 3 tuổi. Anh Hải làm công nhân mỏ tại Quảng Ninh. Bé An ở với bà nội. Đợt dịch giãn cách, anh không thể về nhà. Bé An chuẩn bị vào lớp 1, anh Hải đã gửi máy ipad để cháu có thể học online với các bạn, nhưng khổ một nỗi, bà nội An lại “mù” công nghệ. Đến giờ, bà vẫn dùng điện thoại “cục gạch”. Bà không thể nào hướng dẫn cháu vào zoom hay thao tác nào khác. Hà Nội đang giãn cách, bé An chẳng thể qua hàng xóm để nhờ dạy vào mạng, thao tác. Nhà có hai bà cháu, nếu máy móc, đường truyền có vấn đề gì đột xuất rất khó để nhờ ai giúp đỡ. Năm học mới tới gần, anh Hải không biết phải làm sao.

Anh Nguyễn Văn Tuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng anh quê ở Bắc Giang, lập nghiệp ở Thủ đô. Vợ làm kế toán, chồng làm bảo vệ cùng công ty, dịch bệnh khó khăn, công ty giải thể từ 2 tháng nay. Thất nghiệp cùng việc lo trả tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm sinh hoạt khiến vợ chồng anh Tuân nhiều đêm thức trắng lo âu. Số tiền tiết kiệm ít ỏi dần cạn trong khi con trai anh chuẩn bị bước vào năm học mới. Chiếc máy tính của anh bị hỏng, chỉ còn lại chiếc điện thoại “cùi bắp” ọp ẹp của anh. Anh Tuân lo ngại, điện thoại của anh khó có thể đem lại hình ảnh, đường truyền tốt để con trai anh học online. Và vợ chồng anh cũng chẳng có tâm trí để ngồi học cùng con khi cơm áo, gạo tiền trăm mối lo. Chưa kể, khả năng học hành của vợ chồng anh cũng có hạn, khó kèm cặp, hướng dẫn thêm cho con…

Ngoài khó khăn về đầu tư thiết bị hỗ trợ, một trong những nguyên nhân khiến cho việc học trực tuyến gặp nhiều trở ngại mà bất kỳ phụ huynh nào cũng gặp phải chính là sự bất ổn định trong kết nối vào các lớp học. Không ít phụ huynh, học sinh đã phản ánh việc rất khó đăng nhập vào các lớp học trực tuyến do những trục trặc từ hệ thống máy tính của nhà trường.

Mỗi lần cho con học trực tuyến, một số phụ huynh cảm thấy ức chế. Đăng nhập trên máy tính bị lỗi, họ chuyển qua điện thoại dùng 3G, 4G cũng bị lỗi tiếp. Đổi sang điện thoại khác được ít phút, họ lại phải chuyển qua laptop. Zoom bị quá tải hoặc đường truyền của ISP bị bóp băng thông, nghẽn mạng liên tục như vậy nên việc học của con thường xuyên bị gián đoạn. Mỗi tiết học trực tuyến chỉ có khoảng 30 phút nhưng nhiều phụ huynh cho biết là họ mất đến hơn nửa thời gian để giúp các bé có thể kết nối vào lớp học.

Chị Mai Hoa (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự đầy hoang mang. Năm trước, con gái chị học lớp 2. Dịch bệnh, con gái và các bạn đi học ở trường bị đứt quãng. Học online, con chưa quen, đường truyền chập chờn, bài được, bài mất, kiến thức rơi rụng. Mùa hè vừa qua, tối nào chị cũng vất vả bồi dưỡng những kiến thức lớp 2 bị hổng cho con. Sang năm học lớp 3 này, chị Hoa lo lắng không biết liệu con gái chị có nạp đủ kiến thức khi học online? Con chị có hứng thú học tập qua mạng?

Một điều khó khăn khác, trong khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, bố mẹ, người thân trong gia đình có thể là F0, F1 đang điều trị, cách ly; nhiều gia đình đang quay cuồng tìm cách “rút” khỏi thành phố, về quê kiếm sống... Họ có còn thời gian và tâm sức để ngồi cùng con học bài online?

…Và những chuyện bi hài

Ngoài việc lo lắng chuẩn bị thiết bị công nghệ: máy tính bàn, máy tính bảng hoặc điện thoại, máy in, internet, các phụ huynh và học sinh còn cần chuẩn bị tâm lý và tác phong học online cùng con.

Cô giáo Thanh Thủy dạy lớp 4 một trường tiểu học Hà Nội kể chuyện, nhiều phụ huynh ngồi học cùng con quên không tắt mic. Có lần, cô Thủy đang say sưa giảng bài văn, bỗng từ trong máy tính vọng ra giọng phụ huynh nam nói với con mình. “Ối giời, bài văn này hồi xưa bố 2 điểm vì không biết tả thế nào. Mày học cố lấy điểm 10 để “trả thù” cho bố nhé”. Hoặc “Cô giáo con ở ngoài có đến nỗi nào mà trong zoom lại vừa già, vừa xấu thế?”.

Lần khác, có học sinh không hiểu bài, bà mẹ sa sả mắng chửi con như té tát. Tiếng vọng cả vào buổi học làm không khí căng thẳng, học sinh bị phân tâm, khó tiếp thu bài giảng. Lại có không ít lần, phụ huynh nam cởi trần, mặc quần đùi, phụ huynh nữ mặc áo hai dây, váy ngắn đi lại vô tư sau lưng con mà không biết hình ảnh xấu xí đó đã bị gần 100 con mắt nhìn vào.

Có phụ huynh lo cho con học bị đói, ngồi kế bên đút cơm, giục con ăn hoa quả, uống sữa. Một thực tế khác, hiện nay, giáo viên vẫn lúng túng khi triển khai dạy học, gặp khó khăn khi sử dụng phần mềm với sự cố về mạng, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, phương pháp giảng dạy phù hợp. Các thầy cô khó giao lưu, chia sẻ học tập với học trò. Vì đường truyền chập chờn, dù cô có nhiệt tình giảng bài cũng bị phụ huynh chê trách “giảng bài giật cục”, “mặt cứng đơ”, “dạy không truyền cảm hứng”…

Đó là chưa kể việc các giáo viên bị áp lực làm sao để các học sinh hiểu bài và có hứng thú học tập cao nhất. Việc học trực tuyến thực sự là một khó khăn đối với các học sinh, với cô giáo và với cả các phụ huynh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay đây là phương pháp học đảm bảo an toàn nhất cho các con.


Theo cô giáo Thủy, các phụ huynh nên sớm khắc phục khó khăn, phối hợp với thầy, cô giáo để việc học của các con đạt được kết quả tốt nhất. Phụ huynh cần nhắc học sinh ngồi trước camera chú ý tới trang phục, tác phong, tắt mic trong suốt buổi học. Nếu cô yêu cầu bạn nào trả lời, bạn đó bật mic, sau đó tắt tiếng để tránh các tạp âm ở các gia đình, ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Cũng như học sinh, các phụ huynh cũng cần giữ không gian yên tĩnh, lưu tâm tới hình ảnh và lời nói của mình khi con đang học bài.

Với những trẻ nhỏ, phụ huynh cần đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà một mình. Cần dặn con những lưu ý đề phòng những tai nạn về điện, như không tự cắm điện, nếu có trục trặc, sự cố thì gọi hỗ trợ ra sao…

Anh Vương Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) đưa ra ý kiến, với học sinh tiểu học, các trường có thể tham khảo việc gửi clip bài giảng được quay sẵn các môn rồi gửi cho phụ huynh và các con. Giọng truyền cảm, chậm rãi, không bị ngắt quãng bởi tạp âm từ bên ngoài hay lỗi đường truyền, clip bài giảng có thể “tua” lại bài nếu chưa hiểu, các con sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức. Sau mỗi bài giảng có phần giao bài tập để học sinh ôn lại kiến thức. Bố mẹ có thể giảng thêm cho con. Tất cả lớp sẽ gửi bài tập cho cô giáo vào buổi tối, hôm sau cô có thể đánh giá bài tập cũ cũng như gửi clip bài giảng mới, bài tập mới cho phụ huynh và học sinh, như vậy, hiệu quả học sẽ cao hơn. Thầy cô, học sinh, phụ huynh cũng nhàn hơn.

Bảo Châu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng biến mình thành “những con virus viết Facebook”

Mấy ngày nay, dân mạng truyền nhau mẩu chuyện “đi chợ giúp dân” của chiến sĩ bộ đội. Một số cư dân mạng lấy việc người chiến sĩ nói ngọng và sự khác biệt ngôn ngữ giữa vùng, miền, mua vui trong những câu chuyện cười cợt. Đông đảo người dân và bạn trẻ cả nước đã lên tiếng về việc này…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bi-hai-cha-me-hoc-truc-tuyen-cung-con-d164834.html