Biến que than từ vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh thành tác phẩm nghệ thuật

04/09/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Những que than từ vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh hay rác thải nhựa, sắt vụn…qua bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ đã biến thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo, làm nên không gian trưng bày sắp đặt “Côn Trùng” truyền tải thông điệp về môi trường vô cùng ý nghĩa.

Triển lãm sắp đặt "Côn trùng" do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio) - Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 26/8 đến ngày 11/9, tại 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
Dưới góc độ bảo vệ môi trường từ những tác phẩm nghệ thuật, “Côn Trùng” là đề tài mà các nghệ sĩ muốn tìm ra quan niệm mới, ý tưởng và phương pháp độc lạ trong nghệ thuật điêu khắc. 
Trong hình là tác phẩm “Con đường côn trùng 1” của nghệ sĩ Yến Năng. Tác phẩm nghệ thuật của anh đa phần sử dụng cành cây cháy đem về từ vụ hỏa hoạn trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) xảy ra hồi tháng 6 vừa qua để làm chất liệu chính truyền tải thông điệp muốn nói với công chúng.
“Hãy làm gì đó, để môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của chúng ta không như khúc củi than gỗ cháy! Côn trùng không chỉ là côn trùng, nó đại diện cho thiên nhiên. Con đường của côn trùng không đơn giản là đường sống của côn trùng, mà nó còn là đường sống của chúng ta”, nghệ sĩ Yến Năng nhắn nhủ nội dung qua từng tác phẩm.
Tác phẩm “Phận kiến” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng lại được thể nghiệm bằng chất liệu “sắt mụn”. Tác giả luôn quan niệm, kiến là một bầy bạn thân từ thủa nhỏ của tác giả và luôn liên tưởng người Việt với kiến.
Tác giả cho rằng, phận kiến mô tả sinh hoạt của xã hội loài kiến; từ kiến chúa đến kiến thợ đều có chức năng khác nhau và đã được thiên nhiên định sẵn. Con người thì khác, “con chúa” có thể làm cho xã hội trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn hay suy thoái đi, thậm chí là diệt vong. Vì thế, mỗi con người đừng như kiến thợ, hãy có trách nhiệm với xã hội, với những gì vốn có của thiên nhiên…
Ấn tượng không kém là tác phẩm “Nối Mi” của Phạm Thị Hồng Sâm, đây là tác phẩm được làm từ túi nylon đã qua sử dụng, nhựa, mút, xốp vụn…và tạo hình bên ngoài bởi lớp vải lông.
Thông qua các tác phẩm côn trùng của mình, tác giả Hồng Sâm muốn nhắn nhủ tới công chúng, trong thời đại ngày nay, con người tưởng chừng như đã khám phá hết mọi thứ của Trái đất nhưng hàng năm các nhà khoa học vẫn công bố rất nhiều loại sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, bị biến mất vĩnh viễn. Từ đó con người, hãy nhận thức đúng đắn hơn về các loài sinh vật đã được con người tìm ra và chưa được phát hiện trên Trái đất này.
Bên cạnh đó, không gian trưng bày cũng giới thiệu rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ, nhưng tất cả đều muốn nói lên thông điệp về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống cũng như các loài côn trùng, động vật từ bài học quý giá cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vừa qua.
Không gian trưng bày tại “Côn Trùng” là sự kết hợp của những phương tiện biểu hiện, chất liệu của các nghệ sĩ rất tự do, phi truyền thống, rẻ tiền, có thể là sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than củi cháy rừng ở Hà Tĩnh để tạo nên các tác phẩm có giá trị, ý nghĩa to lớn về mối quạn hệ giữa con người với thiên nhiên, các loài côn trùng, cây cối, sinh vật… 

Vũ Cừ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ghi chép ở một cung đèo bình yên

Con đèo ấy không hiểm trở mà như một sợi dây khổng lồ kết nối 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Có lẽ, đó là con đèo độc đáo nhất ở xứ Nam Tây Nguyên. Độc đáo chẳng phải vì nó ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà độc đáo bởi những ân tình, những đổi thay, nếp sống của bao phận người. Đó là đèo Đắk Nuê (nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng).

Nguồn: HATAP