Biến tướng “con nuôi” “cha nuôi” để mại dâm trá hình

04/07/2021 10:39

Kinhte&Xahoi Dưới danh nghĩa sugar baby - sugar daddy, nhiều người đã lợi dụng để thực hiện những cuộc đổi chác tình - tiền. Đặc biệt, với những “bé đường”, sự khó khăn trong đại dịch đã thúc đẩy họ tìm kiếm đến những “ông bố” lớn tuổi, giàu có.

Các cô gái trẻ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tình dục để đổi lấy tiền chu cấp hàng tháng.

Lối sống “phóng túng” của những người trẻ

Tại Philippines đã ghi nhận tăng 65% số người tham gia “hẹn hò kẹo ngọt” – một cách gọi khác cho mối quan hệ giữa sugar baby – sugar daddy. Trong khi đó, tại Malaysia, Singapore, Indonesia hay Ấn Độ cũng ghi nhận xu hướng này tăng nhanh khi dịch COVID-19 bùng phát vànhững đất nước này bắt đầu có những lệnh phong tỏa do dịch bệnh.

Việt Nam, không khó để tìm kiếm các hội, nhóm “Sugar baby – Sugar daddy” trên mạng xã hội hiện nay. Những cô gái trẻ khoe ảnh bản thân với lời giới thiệu về tên, tuổi, số đo 3 vòng và nhu cầu tìm kiếm “bố nuôi” có thể chu cấp một khoản tiền hàng tháng theo thoả thuận của hai bên. Đổi lại, tình dục là điều kiện cần có trong những mối quan hệ này, tuy nhiên không bắt buộc.

Đáng nói, với những daddy, nếu con nuôi là sinh viên thường sẽ được ưu tiên hơn. Ngược lại, một bộ phận sinh viên hiện nay cũng tìm đến những mối quan hệ “kẹo ngọt” nhằm tìm kiếm sự chu cấp, chi phí cho cuộc sống.

Những lời giới thiệu bản thân của các sugar baby.

Một nữ sinh viên năm 2 quê Yên Bái hiện đang theo học tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội có cách nghĩ khá “thoáng” về mối quan hệ này. Theo chia sẻ, cô từng có quan hệ với 5 “bố đường” và các mối quan hệ này đều bắt nguồn từ các trang mạng như Facebook hay Tinder. Với mức chu cấp từ 5 – 20 triệu đồng/tháng từ các bố nuôi, nữ sinh viên này cho rằng đây là một mối quan hệ trao đổi cân bằng. Cô được nhận tiền và tình dục, trong khi đó bố nuôi sẽ được thoả mãn nhu cầu về tình cảm, tình dục.

Không ít sinh viên khi lao đầu vào mối quan hệ này đều có suy nghĩ tương tự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dưới vỏ bọc mối quan hệ kẹo ngọt, thực chất đây lại là những cuộc mại dâm trá hình mà nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống phóng túng, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận giới trẻ.

Tuy nhiên, cũng có không ít “sugar baby” là những cô gái được cha mẹ nuôi ăn học tử tế, chẳng hạn như: “Tốt nghiệp đại học top 20 của Việt Nam, cao trên 1m68, cân nặng tỉ lệ đẹp với chiều cao, ngoại hình ưa nhìn, không hình xăm, thông thạo từ 2 ngoại ngữ trở lên, thường xuyên chơi thể thao, không bệnh xã hội, không bệnh nan y, không sử dụng các chất gây nghiện, đồ có cồn”. Cô nàng “baby” này hoàn toàn dễ dàng kiếm được một công việc với thu nhập lên tới 30 - 50 triệu/tháng nhưng cũng không tránh khỏi lối sống lười lao động và chỉ thích hưởng thụ.

Trên thực tế, cuộc sống sinh viên khá nhàn rỗi, thoải mái tại các thành phố lớn đã khiến nhiều nữ sinh trẻ sa đà vào các hành vi lệch chuẩn văn hoá. Sự lười học, ham mê vật chất, muốn ăn chơi xả láng nên nhiều cô gái đã không ngần ngại lựa chọn làm “sugar baby” cho những người đàn ông lắm tiền nhiều của.

Việc lên mạng và tìm kiếm một “bố nuôi” để có tiền thoả mãn cho những cuộc vui cho thấy sự xuống cấp, suy đồi đạo đức của một bộ phận người trẻ. Đó cũng là biểu hiện của sự phóng túng trong lối sống, bỏ mặc tương lai, sẵn sàng bán rẻ danh dự và nhân phẩm để chạy theo những xa hoa, hư vinh ảo. Ngược lại, một bộ phận những người “bố nuôi” cũng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng, phản bội gia đình, băng hoại trong lối sống để tìm kiếm những con nuôi thoả mãn nhu cầu tình dục.

PGS.TS Mạc Văn Tiến (Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước về GDNN) nói về sự biến tướng của trào lưu “bố nuôi – con nuôi” khi du nhập vào Việt Nam: “Văn hóa phương tây rất văn minh, hiện đại, nhưng khi vào Việt Nam những điều tốt, tích cực lại ít được giới trẻ phát huy thay vào đó những mặt trái, những điều xấu xí lại được học hỏi rất nhanh. Đó là điểm yếu của nhiều người trẻ Việt không được giáo dục tới nơi, tới chốn, thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng phòng vệ, không biết lựa chọn, chắt lọc những điều hay, điều tốt mà lại dễ bị dẫn dắt theo những điều xấu, điều tiêu cực. Tất cả là do vấn đề nhận thức còn hạn chế, cùng với bản tính tham lam, cũng muốn lợi dụng những mặt trái để mưu lợi, phục vụ nhu cầu cá nhân”.

Hệ luỵ cho những “quan hệ kẹo ngọt”

Tìm đến mối quan hệ với “bố nuôi” để thoả mãn những hư vinh, nhiều cô gái trẻ cũng nhận lại những kết cục ê chề. Một cô gái từng làm sugar baby hơn 5 năm tại TP.HCM nay phải chuyển sang phục vụ tại quán nhậu bởi không thể đáp ứng tiêu chuẩn làm “sugar baby”. Cô chia sẻ: “Nhục lắm! Nhìn vẻ ngoài son phấn, váy áo sang trọng chứ không ra gì đâu. Họ cho mình tiền thì họ bắt mình phải chiều đủ thứ kiểu tình dục quái đản, thậm chí bị họ đổi cho nhau, kể cả chịu cả đám giày vò “pháo dàn” ê chề, bệnh tật”.

Tất nhiên, khi bắt đầu hành trình tìm kiếm “bố nuôi”, ít cô gái trẻ nào nghĩ đến những hệ luỵ như vậy. Bệnh tật truyền nhiễm, cuọc sống chìm đắm trong những cuộc nghiện ngập rượu, bia, tinh thần chán nản, bất cần đời, phá phách,…là kết quả của những cuộc mua bán tình tiền thầm kín.

Các group kín là nơi để tìm kiếm sự thoả mãn nhu cầu tình – tiền.

Mối quan hệ này còn là con dao hai lưỡi, không phải ai cũng tôn trọng ranh giới đã vạch ra. Tôi luôn từ chối ngủ với sugar daddy nếu không thoải mái, nhưng không phải ai cũng may mắn có quyền quyết định”, một sugar baby cho biết.

Nhiều chuyên gia xã hội học đã chỉ ra rằng, người làm chủ mối quan hệ như này thường là các “ông bố nuôi”. Và khi kết thúc hợp đồng, các cô “con gái nuôi” dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết do không chấp nhận được thực tế “quay lại với cái máng lợn”.

TS Xã hội học Bùi Thu Hương - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Mối quan hệ này tại Việt Nam hầu hết là dạng mại dâm trá hình, mại dâm theo hình thức kín đáo hơn chứ không phải “đứng đường” công khai như trước. Môi trường hoạt động đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi “vốn” để đem ra trao đổi cũng phải lớn hơn, đẳng cấp hơn”.

Đổi đời nhờ “bán thân xác” chưa thấy đâu, những gì mà những người trẻ này nhận được lại là sự sa đoạ đạo đức, lối sống, xa lánh của người thân, bạn bè. Mặt khác, hiện nay, nhiều đối tượng mượn danh mối quan hệ này, giả làm các “daddy” để tống tiền, tống tình “con mồi”, chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật nào nói cụ thể về mối quan hệ sugar daddy – sugar baby. Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Mai thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Dưới góc độ pháp lý, hành vi quan hệ tình dục để đổi lại lợi ích vật chất không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, mà những khía cạnh của nó có thể được xem là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp mối quan hệ giữa sugar daddy - sugar baby có sự thỏa thuận nhất định về số tiền, số lần ‘gặp gỡ’ thì đó là biểu hiện của hành vi mua, bán dâm”.

Điều đáng nói là ai nhìn vào cũng biết sugar daddy và sugar baby thực chất là một hình thức mại dâm nhưng lại rất khó xử lý do hoạt động một cách trá hình, lách luật.Mối quan hệ này đối với những người đã có gia đình, xét ở trên bất cứ khía cạnh nào thì nó cũng vi phạm vào các quy định của Luật Hôn nhân Gia đình, vi phạm đến chế độ “Hôn nhân một vợ một chồng” được pháp luật bảo vệ. Trong một số trường hợp, mối quan hệ đó phát sinh mâu thuẫn sẽ có những rủi ro khôn lường như lừa đảo, đánh ghen, gây thương tích cho nhau,…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng không phải ai cũng tình nguyện tìm đến những mối quan hệ biến tướng này. Nhiều người vì cuộc sống vất vả, khó khăn, tìm đến những cuộc trao đổi tình – tiền một cách bất đắc dĩ. Các chuyên gia xã hội học khuyên rằng, những người này nên nhanh chóng chấm dứt thân phận “con nuôi” và tìm kiếm cho mình một công việc chân chính. Đây mới là cách đảm bảo cho cuộc sống của họ ổn định và tránh được những hệ luỵ xã hội từ các quan hệ biến tướng mại dâm.

 Hà Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sao Việt nhận con nuôi và những biến tướng

Nhiều nghệ sĩ Việt nhận con nuôi đơn thuần để nuôi dưỡng con cái như một gia đình bình thường, nhiều nghệ sĩ khác nhận con nuôi vì yếu tố nghề nghiệp, nhằm nuôi dưỡng tài năng.

Làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa?

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-tuong-con-nuoi-cha-nuoi-de-mai-dam-tra-hinh-d159762.html