Bộ Tài chính nêu 5 giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

04/07/2022 18:04

Kinhte&Xahoi Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính vừa thông tin liên quan đến nội dung nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Theo Bộ Tài chính, vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam và đã đạt được một số thành quả nhất định.

Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư, tiếp cận thông tin; Đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư, bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán và tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Về các hoạt động thực tiễn, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế để các tổ chức nắm bắt chính xác, cũng như cùng rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.

"Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới", Bộ Tài chính thông tin.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan.

Mới đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã thêm buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng thị trường chứng khoán.

Thứ hai, Bộ Tài chính sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng liên quan nhằm được nâng hạng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay một số quy định trên thị trường ngoại hối…

Thứ ba, tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; Tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; Nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết vào thị trường giao dịch.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thông công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán. Từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên thị trường chứng khoán để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan; Tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; Nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, các quy định hiện hành đã được sửa đổi theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ trên thị trường, theo đó, một trong những điểm nổi bật là cho phép đăng ký mã số giao dịch trực tuyến.

Về thời gian nâng hạng, Bộ Tài chính cho biết lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo "Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán tới 2030" đang trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu là tới năm 2025, thị trường sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

"Mặc dù việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào quyết định của các các tổ chức xếp hạng, tuy nhiên, cơ quan quản lý đang nỗ lực cao nhất phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo các tiêu chí chung mà các MSCI, FTSE Russell đề ra, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những bữa sáng thanh mát gợi nhớ vị quê giữa phố

Bát cháo đậu ăn với cà, miếng cơm nắm muối vừng, chiếc bánh đa kê hay bát bánh đúc chấm tương… bữa sáng mùa hè sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh mát hơn mà cả một bầu trời quê hương lại ùa về trong từng hương vị nhỏ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-tai-chinh-neu-5-giai-phap-nham-thuc-hien-muc-tieu-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-200191.html