Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

25/05/2022 11:43

Kinhte&Xahoi Bộ Tư pháp dẫn đầu nhóm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trên 90%, với chỉ số 91,90%; tiếp theo là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, sáng nay, 25/5, tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị.

Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thông tin từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, việc triển khai điều tra xã hội học năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu, trong đó có hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương, số lượng phiếu khảo sát cao hơn 2.25 lần so với năm 2020 (khoảng 22.000 phiếu) và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp… Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm. Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 đơn vị, dẫn đầu là Bộ Tư pháp với chỉ số 91,90%; tiếp theo là Bộ Tài chính (91,70%) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (90,37%).

Kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị, trong đó có Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông… Kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ với giá trị Chỉ số CCHC là 78.72%.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2021 là 86.07%, giảm 1.49% so với năm 2020 (đạt 87.56%). Tuy nhiên, xét trong 10 năm đánh giá thì kết quả Chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 đã tăng cao hơn 10.69% so với năm 2012.

Phân tích giá trị trung bình các chỉ số thành phần, cho thấy: 3/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tặng cao hơn so với năm 2020, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ”; 4/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2020, giảm thấp nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”.

Năm qua, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, các bộ, cơ quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); trong theo dõi thi hành pháp luật, rà soát VBQPPL, trả lời kiến nghị, đề xuất của cá nhân, tổ chức để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ, đặc biệt là đánh giá tác động của cải cách đến thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ

Các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng

Đối với kết quả Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố năm 2021, được phân theo 3 nhóm. Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 3 tỉnh, thành; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành; Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 1 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86.37%, cao hơn 2.65% so với năm 2020 (đạt 83.72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%... Theo thống kê, năm 2021, có 60 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020; tăng cao nhất là tỉnh Quảng Ngãi (+13.20%), tăng thấp nhất là Đồng Tháp (+0.03%).

Chủ tọa Hội nghị.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 thì TP Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân, với kết quả đạt 91.80%, cao hơn 0.66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91.14%). TP Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90.25% xếp vị trí thứ 3/63. Trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89.28%, xếp vị trí thứ 5/63.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89.32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79.97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020, đạt 77.91%, xếp vị trí thứ 61/63).

So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế cho thấy, năm 2021, tất cả 6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020 và đều đạt giá trị trên 80%. Khu vực Đồng bằng sông Hồng có giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao nhất so với các khu vực còn lại, đạt 87.58%.

Xếp vị trí thứ 2 trong số các vùng kinh tế là khu vực Trung du - Miền núi phía Bắc, đạt 87.04%. Tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đứng ở vị trí thứ 3, với kết quả đạt 86.45%, cao hơn 4.16% so với năm 2020 và cũng là khu vực có sự tăng trưởng cao nhất trong số 6 khu vực kinh tế. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là khu vực Đông Nam Bộ, đạt 86.06% và Tây Nguyên, đạt 85.63%.

Nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, năm 2021, những nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC của một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố hay khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài…

Trong 10 năm qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số CCHC là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Chỉ số CCHC cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.

Vân Thanh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bế mạc SEA Games 31: Dư âm Việt Nam về cuộc hội ngộ đầy ấn tượng

Đúng 20h tối nay (23/5), Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc được tổ chức tại Cung điền kinh Hà Nội trong không khí ấm áp, tạo nên dư âm tốt đẹp với bạn bè quốc tế về một cuộc hội ngộ đầy ấn tượng về một Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-tu-phap-dung-dau-bang-xep-hang-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2021-d182544.html