Bộ Xây dựng đề nghị ''siết'' việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

16/02/2022 20:01

Kinhte&Xahoi Trước thực trạng nhiều địa phương xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội: Đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích..., Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề nghị siết việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk... Các vi phạm cụ thể là: Đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích...

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, tại văn bản số 423/BXD-QLN (ngày 15-2-2022), Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào nội dung: Việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn quản lý; việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm; xử lý các vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội và đề xuất các biện pháp khắc phục.

 Dạ Khánh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Có một rằm tháng Giêng đặc biệt

Đặc biệt là bởi lẽ, bên cạnh những bất tiện, thiệt hại của dịch bệnh, chúng ta còn nhận ra nhiều giá trị thực chất để hướng cho cuộc sống của mình được vẹn toàn, như ý hơn trong đầu năm mới.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/1024899/bo-xay-dung-de-nghi-siet-viec-quan-ly-su-dung-nha-o-xa-hoi