Cải cách hành chính: Chuyển từ 'xây dựng thể chế sang “hoàn thiện thể chế'

28/11/2020 10:13

Kinhte&Xahoi Đó là ý kiến được đề xuất tại Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030” do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hôm qua (27/11), tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.

Quản lý nhà nước tách khỏi việc cung cấp dịch vụ công

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, CCHC nhà nước luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, là điều kiện tiên quyết, yếu tố đảm bảo cho sự thành công của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Trong quá trình triển khai Chương trình tổng thể, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tốc độ CCHC còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. 

PSG.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, kết quả CCHC nhà nước là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để kiến tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. CCHC nhà nước là để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, phục vụ đắc lực người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế  - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì  CCHC cần phải đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Còn TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, kết quả CCHC thời gian qua là cơ sở, là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội, đúng với lộ trình của một quốc gia đang chuyển đổi, đang phát triển.

Đây là một cuộc cách mạng rất lớn trong nhận thức của Đảng và Nhà nước ta. Nội dung căn bản của cải cách là thay đổi về chức năng. Nhà nước làm đúng chức năng quản lý nhà nước, doanh nghiệp làm đúng chức năng sản xuất, kinh doanh; tách quản lý nhà nước ra khỏi việc cung cấp dịch vụ công.

Đề cập đến giải pháp trong dự thảo định hướng CCHC giai đoạn 2021-2030, TS. Thang Văn Phúc kiến nghị cần một hệ thống hành pháp mạnh và sự minh bạch thông tin. Đồng thời, bổ sung một đề án hoặc chương trình quốc gia về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương để địa phương có thẩm quyền quyết những vấn đề của địa phương.

Bổ sung một đề án chuyển giao nhiệm vụ của Nhà nước về dịch vụ công cho các doanh nghiệp và xã hội thực hiện nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài vào bộ máy nhà nước.

Cần khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá, CCHC giai đoạn 2011-2020 đã thu được nhiều kết quả, thể hiện qua các con số, đặc biệt là về tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, hệ thống pháp luật được đồng bộ hơn, tạo sức mạnh và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. 

Qua 10 năm triển khai thực hiện cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa liên thông và quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc kiểm soát quy định về TTHC ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thể chế. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới.

Tuy nhiên, TTHC, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, thậm chí “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm. Do đó, trong giai đoạn tới, cần chuyển trọng tâm từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng thể chế giai đoạn 2011-2020 là cụ thể hóa các nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, gắn kết với việc thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật nước ta được hoàn thiện một bước quan trọng, rất nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết trong các lĩnh vực về tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng…. được kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.

Dù vậy, vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh. Trong một số trường hợp, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước; một số bất cập của pháp luật được phát hiện nhưng chậm sửa đổi, bổ sung…

Do đó, trong giai đoạn 2021-2030, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức không phù hợp; bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta…

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, góp ý sâu sắc của các chuyên gia, các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, CCHC cần phải tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo tổng kết để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách về CCHC hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030. 

 Vân Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hãy đổi màu cho hai chữ "hy sinh"

Không chỉ những cô gái nhỏ mới mù quáng trong tình yêu, mới yêu người quên cả yêu mình. Mà cả những cô gái lớn có chồng, có con thậm chí có cháu rồi vẫn vì điều này vì điều nọ mà quên cả thương mình!

Có một thế giới khác, mang tên giản dị

Tuần qua, đám cưới của tiền đạo Công Phượng tổ chức tại TPHCM và Phú Quốc ấm cúng và riêng tư. Cô dâu và chú rể khá giản dị trong ngày trọng đại của mình, dù nàng là thiên kim tiểu thư. Và cũng tuần qua, ca sỹ Hà Anh Tuấn, một người được biết đến với những việc làm thiện nguyện khủng, và hiện tại đang góp phần vào Dự án 1 triệu cây xanh đã khá thẳng thắn khi cho rằng, ngày nay “dân chơi” là cứu được bao nhiêu người, chứ không phải là những khoe mẽ đồ hiệu...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh-chuyen-tu-xay-dung-the-che-sang-hoan-thien-the-che-d141886.html