Căn bệnh tâm lý bị ví như đại dịch thế kỷ 21

12/04/2019 15:11

Kinhte&Xahoi "Cô đơn" được ví như bệnh phong của thế kỷ 21, ăn mòn và tàn phá nạn nhân

Không ai có thể nói cuộc sống của Rebecca buồn chán. Cô là một người phụ nữ vô cùng quyến rũ và thành công trong sự nghiệp. 4 năm trước, khi Rebecca 31 tuổi, cô chấm dứt mối quan hệ lâu năm với người đàn ông mà cô cứ ngỡ sẽ sớm trở thành chồng mình. Cô vẫn bâng khuâng mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ. "Nhiều người không hiểu tại sao tôi cô đơn", cô nói.

"Tôi có một công việc tốt. Một gia đình tuyệt vời và rất nhiều bạn thân. Nhưng hầu hết mọi người giờ đã kết hôn và bận rộn chăm sóc con cái. Tôi vui cho họ. Nhưng tôi không có ai để chuyện trò vào cuối mỗi ngày. Cũng không có ai coi tôi là người quan trọng nhất. Những việc như ngồi điền thông tin vào tờ khai cũng khiến tôi cảm thấy cô đơn đến buốt tim. Hiện ai là người gần gũi nhất với tôi? Chỉ có bố".
Hình minh họa.

“Bệnh phong” của thế kỷ 21

Rebecca là một trong số 7 triệu người Anh đang cố gắng tìm nửa kia của mình trên mạng. Người phụ nữ 35 tuổi này nhẩm đếm cô đã "băng qua" ít nhất 100 cuộc hẹn. Và lần nào, dù rất cố gắng, cô vẫn thất bại. Mỗi lần như thế, Rebecca trở về nhà và cảm thấy "thà không thử còn đỡ cô đơn hơn". "Tôi thừa nhận rằng tôi cô đơn và tôi muốn có một gia đình. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói ra điều này", Rebecca khắc khoải ước mong kết hôn và sinh con trước khi quá muộn. Trên các ứng dụng hẹn hò, Rebecca miêu tả bản thân là người vui vẻ, hòa đồng, một người phụ nữ học thức đã chu du nhiều nơi.

"Khoảng cách giữa hình ảnh tôi dựng lên về bản thân và con người thực của tôi ngày càng lớn. Nhưng nếu tôi viết sự thật rằng tôi cảm thấy cô đơn và tôi lo lắng mình sẽ không bao giờ lập gia đình, điều đó sẽ làm đàn ông chạy mất dép".

Rebecca cho rằng cảm giác cô đơn giống như một loại bệnh truyền nhiễm mà không ai muốn mắc phải và càng muốn tránh xa. Rebecca chưa bao giờ thấy ai thừa nhận họ cô đơn khi nói về bản thân trên các ứng dụng hẹn hò qua mạng. Để chứng minh, cô gõ chữ "cô đơn" vào ô tìm kiếm của ứng dụng và kết quả ngay lập tức hiện ra: "Không tìm thấy người phù hợp".

Như tiểu thuyết gia Deborah Moggach nhận xét, cảm giác cô đơn "là điều cấm kỵ cuối cùng còn sót lại: chúng ta cởi mở nói về mọi thứ, kể cả bàn về cái chết, nhưng không ai muốn thừa nhận rằng họ cô đơn". Dù cô đơn không có biểu hiện trên thân thể, đây là thứ cảm giác còn kinh khủng hơn đói khát, bệnh tật và nghèo khổ.

"Đau khổ lớn nhất là cảm giác cô đơn, không được yêu thương, và bơ vơ một mình", mẹ Teresa từng viết. Cô đơn là "bệnh phong" của thế kỷ 21, ăn mòn và tàn phá các nạn nhân. Thống kê cho thấy Anh là "thủ đô cô đơn của châu Âu". Ước tính 17 triệu người trưởng thành ở Anh đang sống một mình. "Ơn Chúa, may mà nhà cửa ở Anh đắt cắt cổ", một phụ nữ độc thân ngoài 30 thở phào.

"Do vậy tôi không có đủ tiền sống một mình, tôi buộc phải thuê chung nhà với người khác". Không chỉ người trẻ mà số người tuổi từ 45 đến 64 sống một mình ở Anh ngày càng tăng. Hơn 1 triệu người già luôn cảm thấy cô đơn. Và hầu hết không dám thừa nhận và thổ lộ về cảm giác cô đơn của mình với người thân hoặc bạn bè.

Giải mã “bệnh” cô đơn

Vậy cảm giác cô đơn là thế nào? Liệu có thể chữa được không? Và nguyên nhân nào khiến con người ta cảm thấy cô đơn, liệu có phải do điều kiện kinh tế eo hẹp hay do cuộc sống vật chất quá sung túc? Biên tập viên Maggie Fergusson của tạp chí văn hóa 1843 của Economists đi tìm câu trả lời.

Nhà tâm lý học người Anh Adam Phillips, nổi tiếng với trí tuệ sắc bén và những công trình nghiên cứu gây tranh cãi, cho rằng hầu hết mọi người đều cô đơn ở một mức độ nào đó và văn hóa lý tưởng hóa tình yêu ngày nay càng đẩy con người lún sâu vào cô đơn. "Trong một xã hội có nhiều người cô đơn, người ta sẽ đặt kỳ vọng lớn vào các mối quan hệ", ông nói.

"Con người sẽ muốn nhận nhiều hơn cho đi nhằm bù đắp cho những giấc mơ về các mối quan hệ thân mật không có thực". Adam Phillips chỉ ra hiện tượng gọi là "tình dục hóa nỗi cô đơn".

Ông lấy ví dụ một người tìm đến sách báo khiêu dâm thường do tuyệt vọng trong các mối quan hệ và họ không có kết nối thực sự với ai. Theo Adam Phillips, con người bẩm sinh không cô đơn nhưng cảm giác này có thể di truyền. Ông chắc chắn đa phần những người cô đơn không gần gũi với cha mẹ hoặc được nuôi dưỡng trong một gia đình có nhiều vấn đề. "Tôi cho rằng khả năng cao khi trưởng thành, bạn cảm thấy cô đơn thì hồi nhỏ bạn cũng là một đứa trẻ cô đơn".

Thậm chí, tiền bạc có thể khiến con người ta cô đơn hơn. Nhà tâm lý học Adam Phillips nhận xét "chủ nghĩa tư bản và thị trường lao động tự do phá hủy các mối quan hệ giữa người với người". Những người lao động xa gia đình và quê hương để chuyển đến nơi khác tìm công việc tốt hơn, mối quan hệ cá nhân của họ với những người thân trở nên lỏng lẻo.

Và càng giàu có, con người càng có nhiều không gian riêng và điều kiện để sống độc lập theo ý muốn cá nhân, nhưng hệ quả của lối sống này là sự cô đơn. Đối với những người có gia đình, cô đơn cũng đắng cay không kém. Caroline, 47 tuổi, là một nhà văn thành công. Dù đã kết hôn được 12 năm, người phụ nữ trung niên này cảm giác khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng lớn.

"Chồng tôi là một người quảng giao", Caroline kể. "Anh ấy luôn là nhân vật chính của các bữa tiệc nhưng thực sự bên trong là một người không tự tin và nhiều sợ hãi". Caroline nhớ một chiều mùa hè, hai vợ chồng ngồi trên bãi cỏ trước nhà ngắm bọn trẻ chơi gần đó. "Lúc đó tôi cảm thấy lòng dâng lên nỗi hoài niệm và buột miệng nói: “Hôm này là ngày giỗ thứ 10 của cha em”.

Trong một khoảnh khắc im lặng, tôi cứ ngỡ rằng chồng tôi sẽ chia sẻ sự cảm thông nhưng rồi anh ấy chuyển đề tài, nói về chuyến đi New York vào tuần sau đó. Tôi nhận ra rằng, như mọi khi, anh ấy không bao giờ lắng nghe". Được nuôi dạy trong một gia đình truyền thống, Caroline không tâm sự với ai về chuyện gia đình. "Nếu tôi không yêu anh ấy thì việc này cũng chẳng quan trọng. Nhưng vì tôi yêu nên cảm giác thật đau đớn".

Sau nhiều năm cố gắng, hôn nhân đổ vỡ và Caroline cảm thấy như được giải thoát. Nhớ lại trạng thái cô đơn trong chính ngôi nhà mình, xung quanh những người mình yêu thương, Caroline miêu tả "giống như bao quanh bạn là một khoảng không đen mà bạn không có cách nào vượt qua". Càng già, sự cô đơn càng lớn hơn.

Fiona, một bác sĩ trị liệu tâm lý 57 tuổi, thừa nhận bản thân bà cũng "vô cùng cô đơn". Là một chuyên gia trong ngành, Fiona nhận xét không dễ dàng thổ lộ cảm giác cô đơn. "Các vấn đề về tâm lý như trầm cảm hiện khá phổ biến, nhưng cô đơn không như vậy. Người ta luôn cảm thấy xẩu hổ khi nói về cô đơn, như kiểu 'Đó là lỗi của tôi, tôi có vấn đề gì đó, tôi thật tồi tệ'".

Fiona tưởng cô đơn sẽ dần biến mất theo thời gian. "Tôi bắt đầu nghĩ 'Không có ai quan tâm và biết tôi đang làm gì. Nếu có gì đó xảy ra, liệu có ai biết?" Lo lắng của Fiona không phải không có cơ sở. Năm ngoái, xác của bà Marie Conlon được tìm thấy trong căn hộ riêng ở Belfast, ba năm sau khi người phụ nữ 68 tuổi này qua đời. Trong điếu văn, gia đình nói họ "bị sốc và đau lòng" trước cái chết của "người chị thân yêu".

Liệu người ta có thể gọi ai đó bằng từ "thân yêu" khi mà họ không liên lạc với nhau suốt 3- 4 năm? Các nhân viên làm việc trong nhà xác nói họ thường xuyên tiếp nhận những xác người đã phân hủy trong thời gian dài. Không ai biết gì cho đến khi hàng xóm xung quanh ngửi thấy mùi hôi thối. Hơn một nửa người cao tuổi trên 75 ở Anh sống một mình.

70% nói cảm thấy cô đơn và 30% nói cảm giác cô đơn đã "nằm ngoài tầm kiểm soát". Xã hội tôn vinh sự độc lập và mỉa móc sự cô đơn. Nhưng với nhiều người, hai điều đó song hành với nhau. Như nhà văn C.S. Lewis viết năm 1960 sau cái chết của vợ, "khi còn trẻ chúng ta không nhận ra rằng cái giá của tự do là cô đơn. Còn hạnh phúc đồng nghĩa với sự trói buộc".

Đó chính xác là cảm giác của ông Barry. "Cảm giác đau đớn xuyên thấu không phai nhạt theo thời gian. Cảm xúc trở thành một điều gì đó hiện hữu và cướp đi động lực sống. Tôi gần như mất hết ý chí sống: sự tuyệt vọng luôn gõ cửa đánh thức cô đơn", cụ ông 85 tuổi nói.

Tương tự, ông Robbie, 91 tuổi, góa vợ từ năm 2012, miêu tả "cô đơn nghĩa là không có ai ngồi không cùng anh". Ông Robbie suốt hai năm qua không bước chân ra khỏi nhà trừ những lúc đi viện. Ông mở TV cả ngày để xua bớt cô đơn. Khoảng 40% người già ở Anh cho biết họ bầu bạn với TV. "Nhiều lúc, tôi không xem TV đâu. Nhưng khi nào có gì hay trên TV, tôi sẽ buột miệng nói: 'Cor, xem kìa!' và tôi ngoảnh đầu sang bên, nhận ra rằng không còn vợ tôi ở đó".

Theo VnExpress/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phát hiện thêm bí ẩn ở Sơn Đoòng

Nhóm thợ lặn thám hiểm sông ngầm trong hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đã phát hiện ra một hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu 60m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở ra. Với phát hiện này, Hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối với các chuyên gia hang động và các nhà khoa học