Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng - lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

31/12/2021 16:07

Kinhte&Xahoi Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI chính thức diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, sáng 31/12, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng tại đại hội

Thưa các vị đại biểu dự Đại hội,

Thưa các đồng chí,


Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đại diện cho giới báo chí cả nước về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kì 2020 - 2025. Đại hội là dịp để khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp, đáp ứng được kì vọng của hơn 27 nghìn hội viên nhà báo trong cả nước và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí.

Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và dẫn dắt, rèn luyện, hơn 96 năm qua đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước; Thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong quá trình phát triển của báo chí cách mạng và hơn 71 năm hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, luôn ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí hoạt động.

Trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, báo chí tiếp tục là lực lượng tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối đổi mới, cổ vũ nhân rộng các điển hình tiên tiến, phản ánh thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới, phát hiện và đề xuất nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc và kịp thời. Báo chí cũng đã tích cực tự đổi mới để thích ứng và phát triển. Báo chí đã đạt được những bước tiến lớn về quy mô, về chất lượng, trong đó, chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá và chất lượng kĩ thuật - nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Bằng nghiệp vụ báo chí, các nhà báo đã góp phần quan trọng trong việc thông tin, phản biện xã hội, hướng dẫn dư luận và tham gia tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, để từ đó Đảng, Nhà nước từng bước điều chỉnh chính sách và pháp luật cho phù hợp.

Một trong những truyền thống quý báu của đội ngũ những người làm báo Việt Nam là luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; Bám sát thực tiễn cuộc sống và luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu và cống hiến. Cùng với việc tích cực cổ vũ tư duy mới, nhân tố mới, cách làm mới, báo chí đã đấu tranh sắc sảo và quyết liệt chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị của đất nước, tạo môi trường chính trị - xã hội thuận lợi để nước ta hội nhập và phát triển. Trong hoàn cảnh mới, báo chí đã từng bước thích nghi và năng động hơn trong nền kinh tế thị trường, giữ vững định hướng XHCN; Mở rộng quan hệ quốc tế và hòa nhập, nhưng vẫn giữ vững bản sắc báo chí cách mạng và truyền thống văn hoá tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo - ngày càng khẳng định và nâng cao vị trí và vai trò trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, trong hoạt động báo chí ở khu vực và trên thế giới; trong việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Lực lượng báo chí cả nước đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Bức trướng thêu chữ vàng "Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Trong thành tích chung ấy của báo chí, có đóng góp to lớn của tổ chức Hội Nhà báo trên cả nước.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại đại hội

Những năm gần đây, tình hình chính trị khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Xu thế toàn cầu hoá truyền thông đại chúng và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí. Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả đối với hoạt động của giới báo chí nói chung cũng như Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Chính phủ có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động báo chí và họat động Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 8/4/2020 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” đã thể hiện rất rõ, rất đầy đủ sự quan tâm đó.

Chúng ta vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt của báo chí cả nước, nhất là bản lĩnh chính trị, trình độ văn hóa, tri thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo và số lượng các cơ quan báo chí tăng nhiều lần so với những năm đầu đổi mới. Số người sử dụng Internet của Việt Nam đạt mức cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Mạng internet và truyền thông đa phương tiện đã tạo ra khả năng to lớn cho việc sản xuất, truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí và việc tiếp nhận thông tin của công chúng nhân dân. Nhận thức xã hội và nhu cầu tiếp nhận thông tin, những đòi hỏi của công chúng đối với báo chí ngày càng cao, đa dạng, vừa đặt ra yêu cầu và thách thức mới, vừa tạo ra cơ hội và động lực mới cho báo chí phát triển...

Trong các văn kiện Đại hội XI, XII và Đại hội XIII, Đảng ta đều nhấn mạnh chức năng thông tin, chức năng giáo dục và chức năng phản biện xã hội của báo chí trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Đây là những nhận thức và quan điểm cực kì quan trọng đối với báo chí và người làm báo.

Thời gian qua, báo chí đã kịp thời phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Báo chí tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực phản động, thù địch. Đặc biệt, báo chí tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, và công cuộc đổi mới. Trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thông tin về những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ra với thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, báo chí phát huy vai trò tiên phong và đã có những đóng góp lớn. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, đại dịch Covid-19, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đội ngũ người làm báo cả nước đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất cách mạng, tiếp cận nhanh và làm chủ được công nghệ làm báo hiện đại, tinh thông nghề nghiệp.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam!

Toàn cảnh đại hội

Bên cạnh những thành tựu, cũng cần thẳng thắn, sòng phẳng, khách quan nhìn nhận đánh giá những mặt hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí thời gian qua. Đó là tình trạng không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, còn để lọt thông tin thiếu nhạy bén chính trị, thông tin thiếu chính xác, giật gân, câu khách; nhiều cán bộ, phóng viên còn non kém về nhận thức và thiếu bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu tỉnh táo. Đáng chú ý là tình trạng một số cơ quan báo chí, cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên sa sút tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, thấy cái đúng không mạnh dạn bảo vệ, thấy cái sai không dám đấu tranh lên án, phê phán, thậm chí còn lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực; chưa chú trọng phát hiện, ngại tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Còn nhiều cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng quản lý, tình trạng “hữu sinh vô dưỡng”, xin phép thành lập nhưng thiếu quan tâm theo dõi, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí, của cán bộ được bổ nhiệm. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, thiếu tính định hướng dư luận xã hội, nhất là trước những vụ việc, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, cần sự phân tích, bình luận, chỉ dẫn một cách đúng đắn, để tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất hành động vì lợi ích chung của đất nước... Một số cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí đã được tăng cường, nhưng còn có trường hợp chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để khắc phục. Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều thành tựu song nhiều cấp hội vẫn còn hoạt động hình thức, thiếu hấp dẫn và lôi cuốn hội viên, nhất là chưa thật sự bám sát, quyết liệt trong theo dõi, xử lý những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hội viên.

Thưa các đồng chí,

Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959) Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng". Tại Đại hội lần thứ III (1962) của Hội Nhà báo, Bác nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng". Theo tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao, đồng tâm nhất trí từ trong Đảng đến ngoài xã hội, trong đó có vai trò của báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam.

Từ diễn đàn này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi muốn nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đồng chí thảo luận trong việc đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ tới:

Trước hết, cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lí báo chí, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2025.

Người làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa tính chất cách mạng và nguyên tắc chỉ đạo có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động báo chí là: Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là phát triển phải đi đôi với quản lý, và quản lý phải theo kịp sự phát triển, để từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí đối với xã hội.

Thứ hai, cùng với việc sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông mới, xây dựng nền báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, cần chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng chính trị của thông tin trên báo chí, đảm bảo tính thời sự, tính chiến đấu, tính chính trị sâu sắc thể hiện trong việc định hướng tư tưởng, góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cổ vũ và tạo ra sức mạnh toàn dân tộc. Đặc biệt nêu cao tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, báo chí cần thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, trở thành diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; tạo điều kiện để quần chúng tham gia, giám sát, đánh giá hiệu quả của báo chí, coi báo chí là phương tiện để quần chúng thực hiện quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận đúng pháp luật.

Thứ tư, Hội Nhà báo Việt Nam cần tổng hợp và phát huy được sứ mệnh cao cả của đội ngũ những người làm báo cách mạng; cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà báo vững vàng về tư tưởng chính trị, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề và giỏi nghề; tiên phong trong biểu dương, phát huy những mặt tích cực, phê phán, đấu tranh với những mặt tiêu cực, với cái xấu, với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ và trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đồng thời bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên. Các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa tập hợp hội viên, tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách và đạo đức làm báo Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, trong việc không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả họat động Hội.

Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội

Thưa các đồng chí!

Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn lịch sử mới đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho giới báo chí cả nước. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc, với nhân dân và với đội ngũ hùng hậu như hiện nay, nhất định những người làm báo Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh về tổ chức, về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết những người làm báo cả nước.

Xin chúc quý vị đại biểu và những người làm báo cả nước sức khỏe và hạnh phúc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!


(* Tiêu đề do báo Tuổi trẻ Thủ đô đặt)

 TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam hiện có 238 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021) cho 23 hiện vật, nhóm hiện vật. Như vậy, tính đến đầu năm 2021, sau 9 đợt công nhận, nước ta có 215 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận thì nay tổng số bảo vật quốc gia là 238.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-bo-bao-chi-cung-la-chien-si-cach-mang-luc-luong-xung-kich-tren-mat-tran-tu-tuong-van-hoa-186975.html