Căn cước công dân gắn chíp không có chức năng định vị, theo dõi chủ nhân

22/12/2020 10:48

Kinhte&Xahoi Bộ Công an cho biết, Hà Nội sẽ mở đợt cao điểm tập trung cấp Căn cước công dân gắn chíp lưu động trên toàn thành phố từ 1/1/2021 đến 1/7/2021. Chíp này không có chức năng định vị, theo dõi công dân.

Theo thông tin từ Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tập trung cấp Căn cước công dân lưu động trên toàn thành phố tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, các địa bàn dân cư từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/7/2021.

Đồng thời, Công an Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ (tối thiểu 10h/ngày) để cấp Căn cước công dân cố định tại trụ sở Công an các quận, huyện, thị xã; bảo đảm thực hiện việc cấp lưu động và cấp cố định ít nhất 6 ngày trong 1 tuần.

Mẫu căn cước công dân.

Tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, cư trú ổn định, làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội từ 30 ngày trở lên nếu chưa có số định danh cá nhân (chưa được cấp Chứng minh nhân dân 12 số hoặc Căn cước công dân) sẽ đủ điều kiện cấp Căn cước công dân theo quy định.

Công dân có thể đến trụ sở cơ quan công an nơi đang cư trú để thực hiện việc cấp Căn cước công dân mà không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú.

Ngoài ra, người dân có nhu cầu đổi lại Căn cước công dân hoặc chuyển từ Chứng minh nhân dân 12 số sang Căn cước công dân mẫu mới sẽ thực hiện tại trụ sở Công an cấp huyện và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (44 phố Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa và số 6 phố Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội).

Những trường hợp công dân đang tạm trú trên địa bàn Hà Nội phải tiến hành kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) tại nơi đang tạm trú trước khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân mẫu mới.

Công an thành phố Hà Nội khuyến khích công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn thực hiện việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng Căn cước công dân mẫu mới.

Các trường hợp chưa cần thiết gồm: Đã được cấp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng, bởi theo quy định hiện hành thì các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn. Các trường hợp này có thể thực hiện việc cấp đổi sang Căn cước công dân mẫu mới sau ngày 30/6/2021.

Chíp không có chức năng định vị, theo dõi công dân

Bộ Công an cho biết, Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, Căn cước công dân mẫu mới là loại có gắn chíp điện tử, khác với các loại thẻ Căn cước công dân hay Chứng minh nhân dân có 12 số hiện hành.

Căn cước công dân mẫu mới có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng... nhằm bảo đảm cho việc quản lý xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện cải cách hành chính.

Chíp gắn trên Căn cước công dân nhằm lưu trữ các thông tin của công dân với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, chíp này không có chức năng định vị, theo dõi công dân.

"Căn cước công dân gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm và bổ sung hoặc sửa đổi thông tin... Khi chíp điện tử được tích hợp đầy đủ thông tin, người dân khi thực hiện các giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng Căn cước công dân này"- Bộ Công an cho hay.

Lấy dấu vân tay (Ảnh minh họa).

Dữ liệu trên chíp có thể truy cập mà không phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, qua đó việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo.

Chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác.

Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo mật thông tin lưu trữ trên chíp và được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi... Do đó, rất khó có thể làm giả Căn cước công dân, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch và giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ; bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

"Căn cước công dân gắn chíp là xu thế chung trong thời đại công nghệ thông tin và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng, thuận lợi khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ trực tuyến... cho công dân"- thông tin từ Bộ Công an cho hay.

 Thế Kha - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về cây thông Noel

Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh là màu tượng trưng cho sự vĩnh cửu, phồn vinh và ấm no. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng là vì nó vẫn có thể xanh tốt vào mùa đông lạnh giá. Nhiều quốc gia còn tin rằng màu xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật. Những vật trang trí trên cây thông Noel cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-cuoc-cong-dan-gan-chip-khong-co-chuc-nang-dinh-vi-theo-doi-chu-nhan-20201221202854742.htm