Cần giữ gìn môi trường văn hóa

15/02/2023 11:42

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những hành vi ứng xử làm tổn thương người khác, gây bức xúc dư luận và xâm hại môi trường văn hóa nơi công cộng mà lẽ ra phải xây dựng và giữ gìn.

Ảnh minh họa

Thấy rõ nhất và phổ biến nhất hành vi thiếu văn minh, lịch sự là trong lĩnh vực văn hóa giao thông. Một người đàn ông lái xe sang đã chặn đầu, chửi rủa và nhổ nước bọt vào xe khác. Một phụ nữ lớn tuổi đi xe máy ở thành phố Hải Dương đã lôi tài xế ô tô ra khỏi xe, chửi mắng và tát tới tấp anh này.

Hành động hung hãn của người phụ nữ lớn tuổi kia chỉ vì khi dừng đèn đỏ, tài xế ô tô chỉ chạm khẽ vào đuôi xe của bà và không gây ảnh hưởng gì. Ngoài ra, các hành vi chống đối Cảnh sát giao thông khi kiểm tra nồng độ cồn cũng diễn ra khá phổ biến, có trường hợp gây ra hậu quả nặng nề đối với cả Cảnh sát giao thông và tài xế vi phạm.

Sau vụ “bênh chó, đánh người” thì phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng dân cư với việc nuôi chó, mèo trong chung cư trỗi dậy. Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy sự nguy hiểm rình rập khi những người nuôi chó mà không tuân thủ các quy định an toàn, gây nên sự lo ngại cho hàng xóm và cho chính gia đình gia chủ. Đáng chú ý là theo thống kê số người bị chó, mèo cắn nhập viện tăng mạnh trong thời gian qua.

Mới đây, một cựu sỹ quan Cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng phải nhận bản án 7 năm tù vì hành vi rút súng bắn 2 bảo vệ chung cư bị thương khi họ nhắc nhở anh này đậu xe chắn lối đi. Hoặc, cũng tại Đà Nẵng, vào năm 2021, trong dịch bệnh, một cán bộ của Văn phòng HĐND bị mất chức cũng chỉ vì cái tát đối với nữ y tá khi “ngoáy mũi” của ông để xét nghiệm COVID-19. Hệ lụy của “một phút nóng nảy” là khôn lường!

Những hành vi nêu trên thường được lý giải là “một phút nóng nảy” mà mất kiểm soát, dẫn tới “cả giận mất khôn”. Tuy nhiên, hành vi bạo lực hay thái độ nóng nảy là biểu hiện tính cách con người và phản ảnh cái “tầm” hoặc cái “trình” văn hóa và nhận thức về cái “tôi” của người đó.

Vì thế, những hành vi ứng xử như vậy chẳng những là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng người khác mà là cả sự coi thường những quy tắc ứng xử văn minh, làm tổn hại đến môi trường văn hóa và đó chính là sự tự hạ thấp mình trong con mắt những người chung quanh và chứng kiến, không có lý do gì để không phê phán nhằm không để những hành vi đó tái diễn trong xã hội chúng ta.

 Phaly - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội, giai đoạn 1898-1954”

Ngày 14/2, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội, giai đoạn 1898-1954”. Sự kiện thiết thực chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (1973-2023). Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự triển lãm.

Bản lĩnh người nghệ sĩ

Đã từ lâu, người nghệ sĩ không chỉ là người hoạt động nghệ thuật mang trong mình thiên chức sáng tạo mà còn là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội. Song hành với sự nổi tiếng, nghệ sĩ thường xuyên phải đối mặt với khen chê và đó là lúc họ cần thể hiện bản lĩnh của mình.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/can-giu-gin-moi-truong-van-hoa-d190179.html